Xã Bình Quý, Thăng Bình: Mất mùa lúa vì bệnh đốm nâu

MINH TÂN - THU SƯƠNG 19/03/2020 10:00

Vụ đông xuân 2019 - 2020, nhiều nông dân thôn Quý Hương (xã Bình Quý, Thăng Bình) lo lắng vì gần 20ha lúa bị bệnh đốm nâu, khả năng mất mùa rất cao. Nông dân đang tính đến phương án đốt ruộng để đỡ chi phí thu hoạch.

Mất mùa lúa vì bệnh đốm nâu.
Mất mùa lúa vì bệnh đốm nâu.

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến thời điểm thu hoạch nhưng cánh đồng gần 20ha lúa của bà con thôn Quý Hương lại xuất hiện nấm gây hại. Đang giai đoạn trổ, đứng cái làm đòng nhưng trên lá lúa có những vết đốm. Nhiều diện tích bị cháy vàng. Mặc dù đã tích cực xử lý, phun thuốc diệt trừ nhưng tình hình không mấy khả quan. Với thâm niên hàng chục năm làm lúa, mùa vụ trước vẫn phấn khởi với năng suất cao nhưng mùa này, ông Võ Trung Cường (thôn Quý Hương) cùng bà con quanh đây rất lo lắng.

“Nấm vàng hết lá, tôi đã tích cực xử lý phun thuốc, đợt sau này, lá có trồi ngọn hơi xanh lại nhưng không biết có mất năng suất hay không. Mấy năm về trước, lúa tốt, trúng, năm ni lúa sẽ mất nhiều, mất khoảng 50%” - ông Cường cho biết.

Theo ngành chức năng, bệnh đốm nâu do một loại nấm gây hại. Loại nấm này đặc biệt xuất hiện nặng trên những chân ruộng thiếu dinh dưỡng và một số bộ giống phù hợp. Giai đoạn 45 ngày đầu cây lúa có thể sinh trưởng phát triển tốt nhưng từ sau 50 ngày, quá trình huy động dinh dưỡng bị ức chế, nấm sẽ xuất hiện. Ban đầu là những vết đốm không định hình trên lá lúa, sau sẽ lan dần gây cháy vàng lá.

Ông Hồ Ngọc Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình cho hay, lúa bây giờ đang trổ, đứng cái làm đòng, sau khi trổ khả năng gây lem lép hạt cao. Với bệnh này, không có thuốc hữu hiệu để phòng trừ, chủ yếu là canh tác ở giai đoạn đầu khi làm đất, bón phân đợt 1, đợt 2. Còn bây giờ thì đã muộn. Bệnh này làm cho lúa không có dinh dưỡng để nuôi cây, 1 số chân ruộng bị nặng, lúa cháy khô luôn cả đám, phải bỏ. Ông Quảng cũng lý giải, giống lúa DQ11 mà mùa vụ này bà con nơi đây sử dụng tương đối phù hợp với loại nấm gây hại.

“Với những mùa vụ sau, khi liên kết sản xuất giống thì địa phương cần tìm hiểu giống, có phù hợp với đất đai hay không. Nếu bất đắc dĩ, theo hợp đồng thì cần tư vấn, hướng dẫn người dân chế lượng phân bón, bố trí thời vụ để thoát bớt yếu tố ngoại cảnh bất lợi” - ông Quảng khuyến cáo.

Nhiều nông dân canh tác ở cánh đồng gần 20ha này đang đứng ngồi không yên. Bởi, những đám lúa cháy vàng, chỉ còn cách đốt để khỏi tốn công và chi phí thu hoạch. Còn với một số ít diện tích đang dần được phục hồi nhờ phân bón thì người dân cũng chưa hết nỗi lo bởi khả năng lem lép hạt rất cao!

MINH TÂN - THU SƯƠNG