Hiệu quả từ mô hình hợp tác xã kiểu mới
Trong xu thế chung của tỉnh, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả đã tiến hành giải thể, song gần đây tại Hội An, một số HTX mới được hình thành và phát triển ổn định với mô hình kinh tế tập thể theo kiểu mới.
Từ năm 2018 đến nay, một số HTX mới thành lập đã đáp ứng và phù hợp với xu hướng, điều kiện hiện tại của Hội An như HTX Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp), HTX Rau hữu cơ và du lịch Thanh Đông (xã Cẩm Thanh), HTX Nông nghiệp và dịch vụ bền vững Hội An.
Thông qua HTX, các hộ thành viên có điều kiện tham gia và được sự hỗ trợ của chính quyền, của các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nhờ đó, thu nhập của người lao động cũng như các thành viên được nâng lên đáng kể, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Điển hình, HTX Cù Lao Chàm được thành lập năm 2018 nhưng đã khai thác, bảo tồn hiệu quả cua đá gắn với phát triển du lịch bền vững. Doanh thu năm 2019 đạt gần 1 tỷ đồng.
Gần đây, HTX Rau hữu cơ và du lịch Thanh Đông góp phần tích cực vào sự phát triển của kinh tế tập thể tại địa phương. Từ một tổ hợp tác được thành lập năm 2014 theo đề án của UBND TP.Hội An, đến tháng 11.2019, Tổ hợp tác rau hữu cơ Thanh Đông đã phát triển thành HTX với 10 thành viên là các hộ nông dân trực tiếp tham gia sản xuất tại làng rau.
Được biết, trong 5 năm (2014 - 2019), cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, chính quyền xã và Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị, tổ hợp tác đã đạt doanh thu gần 1,2 tỷ đồng, gắn kết sản xuất với phát triển du lịch, dịch vụ, thu hút gần 17 nghìn lượt nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh đến tìm hiểu học tập, trải nghiệm.
HTX này đã liên kết với các siêu thị, cửa hàng, doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2018, vườn rau hữu cơ Thanh Đông được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là “Điểm du lịch sinh thái tiêu biểu”.
Ông Nguyễn Hùng Linh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, nói: “Việc thành lập HTX là rất cần thiết, song vẫn giữ được tính cộng đồng, đã được nhân dân đồng thuận về cơ chế đầu tư, chính sách... Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đối tác tiêu thụ rau hữu cơ đều thống nhất nâng tầm tổ hợp tác thành HTX, đặc biệt các doanh nghiệp du lịch hiện rất muốn ký kết hợp đồng để đảm bảo hoạt động kinh doanh cũng như chương trình tour”.
Ngoài các HTX nói trên, do nhu cầu phát triển các dịch vụ du lịch ngày càng cao, một số hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề sang các hoạt động du lịch như mở nhà hàng, homestay, du lịch nhà vườn, tổ xe thồ tự quản...
Nhờ gắn kết, phối hợp với chính quyền, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà phân phối nên các mô hình trên hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhâp, tạo việc làm cho nông dân và giảm nghèo bền vững. Đáng chú ý, thực hiện chỉ đạo của tỉnh về chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP”, Hội An cũng đã mạnh dạn lấy OCOP làm hướng đột phá và tạo được chuyển biến về hiệu quả hoạt động của các HTX.
Một số sản phẩm OCOP của Hội An đã được tỉnh công nhận đạt hạng 3 sao như đĩa Chùa Cầu, nước mắm truyền thống Tư Tài, sợi mỳ cao lầu Tô Văn Bình và bánh đậu xanh Bông; sản phẩm đạt hạng 4 sao là đèn lồng Hội An, trà rừng Cù Lao Chàm, tương ớt mè Daichi. Năm 2020 này, thành phố sẽ phối hợp với các ngành chức năng xây dựng điểm bán hàng OCOP cấp huyện và phối hợp với Sở NN&PTNT xây dựng Trung tâm OCOP khu vực miền Trung tại Hội An.
Ông Lê Chơi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hội An cho biết, mặc dù hiện nay các HTX đang tập trung giải thể, song các mô hình mới như HTX Rau hữu cơ và du lịch Thanh Đông, HTX Cù Lao Chàm thành lập đã bước đầu đạt hiệu quả. Đây là những dấu hiệu đáng mừng, cho thấy kinh tế tập thể, HTX đang phục hồi và phát triển đúng hướng. Các mô hình HTX nông nghiệp nói trên rất phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế và thực tiễn của TP.Hội An, thực hiện tốt chỉ đạo của tỉnh về mô hình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”. Cùng với sự chỉ đạo của thành phố, công tác phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, địa phương và nỗ lực phấn đấu vươn lên của các HTX, hy vọng mô hình kinh tế tập thể ở Hội An sẽ phát triển bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.