Chuột phá hại lúa đông xuân ở Phú Ninh

THANH THẮNG 17/02/2020 14:45

(QNO) - Nhiều diện tích lúa đông xuân trên địa bàn huyện Phú Ninh bị chuột cắn phá nghiêm trọng.

Chuột phá hại lúa trên diện rộng khiến nông dân lo lắng năng suất lúa sẽ giảm. Ảnh: THANH THẮN
Chuột cắn phá nhiều diện tích lúa ở Phú Ninh. Ảnh: THANH THẮNG

Ông Huỳnh Tấn Ban (57 tuổi, thôn An Thiện, xã Tam An) cho biết, vụ này gia đình sản xuất 6 sào lúa Thiên ưu và đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái. Tuy nhiên đến nay hơn 1 sào đã bị chuột cắn phá phải bỏ hoàn toàn.

Vừa qua, UBND xã Tam An mua thuốc phát cho người tiến hành diệt chuột đồng loạt. Đến nay tình trạng chuột cắn lúa đã giảm nhưng diện tích hư hại vẫn còn nhiều” - ông Ban nói.

Cách khu vực ruộng của ông Ban khoảng 200m, ông Võ Minh Tuấn (45 tuổi, thôn An Thọ, xã Tam An) đang loay hoay dùng thuốc sinh học để diệt chuột. Ông Tuấn cho biết, 2 sào ruộng của ông nằm cuối mương và gần khu vực bờ tre nên bị chuột cắn phá nhiều hơn.

“Năm 2019 không có lụt, thời tiết nắng ấm nên chuột sinh sôi, phát triển. Mặc dù tôi đã sử dụng nhiều biện pháp diệt chuột nhưng chuột vẫn cắn phá. Với tình trạng này, năng suất vụ đông xuân sẽ giảm mạnh” - ông Tuấn nói.

Ông Huỳnh Tuấn Nhật - Chủ tịch UBND xã Tam An cho hay, ngay từ đầu vụ, UBND xã đã đầu tư 30 triệu đồng mua thuốc diệt chuột phát cho người dân cùng ra quân diệt chuột. Bên cạnh đó, người dân cũng triển khai nhiều biện pháp như dùng bạt ni lông bao quanh đám ruộng, đào hang bắt chuột... Tuy nhiên diện chuột cắn phá vẫn rất nhiều.

Nông dân dùng các bao bì ni lông treo lên nhằm xua đuổi chuột. Ảnh: THANH THẮNG
Nông dân treo bao bì ni lông xua đuổi chuột. Ảnh: THANH THẮNG

Ông Đinh Long Toàn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh cho biết, vụ đông xuân năm nay toàn huyện sản xuất khoảng 2.500ha lúa. Hiện lúa đang giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái; lúa nước trời đang trong giai đoạn trổ đòng. Diện tích lúa bị chuột phá hại cao hơn cùng kỳ năm trước, phân bố ở hầu hết địa phương trong huyện.

Theo ông Toàn, hiện Phòng NN&PTNT và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện phân công cán bộ ở cơ sở tích cực theo dõi đồng ruộng, hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng trừ chuột cho người dân.

“Ngành chức năng hướng dẫn trực tiếp các biện pháp diệt chuột như đặt bẫy, dùng thuốc và ưu tiên sử dụng thuốc diệt chuột sinh học, hạn chế tối đa việc dùng các loại thuốc hóa học độc hại. Đối với việc đánh bả, cần phải đảm bảo an toàn cho người, động vật nuôi và môi trường. Nghiêm cấm việc dùng điện để bẫy chuột” - ông Toàn nói.

THANH THẮNG