Tập trung diệt chuột bảo vệ cây trồng
Trước tình trạng chuột cắn phá lúa đông xuân trên diện rộng, lãnh đạo Sở NN&PTNT vừa đề nghị các đơn vị liên quan và chính quyền các địa phương tập trung triển khai đồng bộ những biện pháp phòng trừ để hạn chế thiệt hại.
Theo Sở NN&PTNT, vụ đông xuân 2019 – 2020 này nông dân trên địa bàn tỉnh gieo sạ tổng cộng 41.755ha lúa. Đến nay, lúa chính vụ đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ - đứng cái, còn lúa nước trời đang trong thời kỳ làm đòng - trổ.
Do mùa mưa năm vừa qua không có lụt lớn và từ trước Tết Canh Tý đến nay thời tiết nắng ấm nên chuột đã phát sinh trên diện rộng, gây hại cục bộ ở nhiều nơi, nặng nhất là trên những chân ruộng ven gò đồi, ruộng bị khô nước. Diện tích bị chuột gây hại cao hơn cùng kỳ năm trước và phân bố ở hầu hết địa phương của tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Sương – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật cho biết, tính đến thời điểm này toàn tỉnh đã có hơn 400ha lúa đông xuân bị chuột cắn phá, tăng 250ha so với cách đây 1 tuần.
Để chủ động phòng trừ nhằm hạn chế thiệt hại do chuột gây ra, Sở NN&PTNT vừa có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng ban chức năng, các địa phương tổ chức cho nông dân đồng loạt ra quân diệt chuột; diệt thường xuyên, liên tục bằng nhiều biện pháp. Chủ động trích nguồn kinh phí của địa phương hỗ trợ cho người dân mua bẫy, bả để diệt chuột.
Trong khi đó, Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật được yêu cầu phải thực hiện thường xuyên việc tuyên truyền về tác hại của chuột và hướng dẫn các biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả cho người dân qua các kênh thông tin.
Theo ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, việc diệt chuột cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp. Cụ thể, nếu đặt bẫy (bẫy lồng, bẫy kẹp, bẫy hình bán nguyệt...) phải đặt ở những nơi chuột thường qua lại; khi đặt bẫy ngoài ruộng lúa nên đặt dưới bờ ruộng, chỗ kín đáo. Đặt bẫy vào tối hôm trước và thu bẫy vào sáng hôm sau.
Còn với biện pháp dùng thuốc và bả thì ưu tiên sử dụng thuốc diệt chuột sinh học, hạn chế tối đa việc dùng các loại thuốc hóa học độc hại. Đối với bả diệt chuột sinh học (ví dụ như thuốc Biorat) thì đặt theo lối đi, cửa hang… những nơi chuột hay lui tới. Lưu ý, khi mở gói bả ra thì nên dùng hết một lần, nếu để lại sẽ mất hiệu lực.
Đối với thuốc sinh hóa, hóa học thì có thể dùng các loại thuốc như Racumin 0,75 TP, Ratkill 2% DP, Killrat 0,005%, Storm... trộn với thức ăn chuột ưa thích như thóc ủ mầm, gạo rang, bắp, tôm, cua… làm bả diệt chuột (những thuốc đã làm thành bả sẵn như Storm thì không cần trộn mồi).
Bả nên đặt vào chiều tối trên những tấm lá, giấy nhựa và hôm sau phải thu dọn sạch sẽ. Nông dân cần chú ý, đối với biện pháp đánh bả cần phải đảm bảo an toàn cho người, động vật nuôi và môi trường. Nghiêm cấm việc dùng điện để bẫy chuột. Xác chuột hoặc những động vật khác chết do bả độc phải thu gom để chôn vùi sâu với vôi trong đất.
Ngoài những biện pháp nêu trên, ông Trương Xuân Tý cũng khuyến cáo cần ra quân đồng loạt để đào hang bắt chuột. Theo ông Tý, biện pháp này áp dụng ở các vùng gò đồi, bờ tre, bờ ruộng... là những nơi chuột đang ẩn náu. Các địa phương cần tổ chức cho nông dân ra quân đào bắt, tìm kiếm các hang ổ chuột để đào kết hợp với hun khói, đổ nước... và dùng lưới bao vây. Biện pháp này có ưu điểm là bắt được nhiều chuột cái sinh sản và chuột con, tuy nhiên cần bảo vệ kênh mương, hồ đập.