Xuất khẩu nông sản gặp khó do Covid-19
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) đã khiến nông sản của nông dân Quảng Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị ùn ứ. Giải pháp được các ngành chức năng, địa phương nêu ra là tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác.
Hàng hóa ách tắc
Sản phẩm mực xà của 2 nghề khai thác hải sản chủ lực trên địa bàn tỉnh là lưới chụp và câu mực khơi đang chịu ảnh hưởng xấu bởi Covid-19. Bà Phan Thị Tuyết (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) - tư thương thu mua mực xà của ngư dân trên địa bàn tỉnh để xuất khẩu sang Trung Quốc cho biết, còn hơn 30 tấn mực xà tồn đọng trong những ngày qua do xuất khẩu tiểu ngạch lẫn chính ngạch sang Trung Quốc đều bị đóng cửa.
“Từ trước đến nay, tôi duy trì mối làm ăn với tư thương Trung Quốc, không có dự định tìm mối làm ăn mới ở các nước khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia chẳng hạn. Đến bây giờ, do dịch Covid-19 mới vỡ ra rằng, không thể chỉ buôn bán ở một thị trường. Tôi phải dừng thu mua mực xà cho đến khi thị trường xuất khẩu thông thoáng trở lại” - bà Tuyết nói.
Các ngư dân theo nghề lưới chụp như ngồi trên lửa. Ông Trần Công Kỳ (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) cho biết: “Các bạn biển không chịu đi biển vì cho rằng mực xà không bán được thì không có thu nhập. Thiếu lao động, tôi không biết đến bao giờ mới có thể đi biển trở lại”.
Hàng hóa khác là rau quả cũng đang bị ách tắc xuất khẩu do dịch Covid-19. Ông Trịnh Tấn Ưu - lão nông ở làng rau Bình Triều (Thăng Bình) và từng là Giám đốc Hợp tác xã Rau sạch Mỹ Hưng (xã Bình Triều) cho biết: “Điều lo ngại nhất là nông sản không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Các loại rau quả bị rớt giá thê thảm. Trước đây, thông qua hợp tác xã, chúng tôi đưa rau quả vào siêu thị, các chợ đầu mối bán. Còn bây giờ nông dân tự loay hoay bán rau quả cho tư thương. Các tư thương bảo rau quả không xuất khẩu sang Trung Quốc được nên giá rau quả giảm đến một nửa so với trước tết”.
Tương tự, các nông hộ trên địa bàn huyện Phú Ninh cũng thắc thỏm tìm đầu ra cho rau quả khi thị trường Trung Quốc đóng cửa. Bà Trần Thị An, nông hộ sở hữu 5 sào rau quả ở thôn An Thọ (xã Tam An, Phú Ninh) nói: “Nông sản của chúng tôi luôn bị ép giá, được mùa thì mất giá ngay cả khi thị trường Trung Quốc mở cửa. Nay thị trường này đóng cửa thì khó khăn hơn. Mong các ngành chức năng tìm giúp giải pháp khơi thông đầu ra nông sản”.
Tìm kiếm thị trường
Ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Quang cho rằng, từ trước đến nay, do dễ tính nên thị trường Trung Quốc hầu như mua toàn bộ mực xà của ngư dân, dù đôi khi chất lượng hàng hóa không đảm bảo. Tư thương chủ quan không tìm thị trường mới. Do vậy, rất mong các ngành chức năng của tỉnh, Trung ương mở lối đi mới cho mực xà xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, địa phương rất đau đầu với đầu ra của mực xà. Sản phẩm này ngư dân rất dễ khai thác, bảo quản sơ sài, không có nhãn mác, xuất xứ. Tư thương và các đối tác từ Trung Quốc cũng không hề đặt ra điều kiện đối với hàng hóa mực xà nên hễ thị trường Trung Quốc bị ách tắc thì bế tắc đầu ra. Giải pháp được UBND huyện Núi Thành nêu ra là tìm cách thu hút doanh nghiệp đầu tư để tạo nên chuỗi hàng hóa mực xà từ khai thác, bảo quản của ngư dân đến chế biến, cung ứng ra thị trường của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện.
Bà Phan Thị Tuyết cho biết: “Tôi sẽ tìm hướng xuất khẩu sang thị trường các nước châu Á khác để dần thoát phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Các nước đó yêu cầu hàng xuất khẩu chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc, có bao bì, nhãn mác nên rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan chức năng và hợp tác của ngư dân”.
Theo Sở Công Thương, rất may là các vùng trồng dưa hấu trên địa bàn tỉnh mới chỉ bắt đầu vào vụ mới, chưa có sản phẩm xuất khẩu, nếu không thì cùng chung cảnh ngộ cần được giải cứu dưa hấu như các tỉnh vùng Tây Nguyên. Ngành sẽ theo dõi sát sao thị trường, cập nhật thông tin để có các giải pháp hỗ trợ nông dân gặp ách tắc đầu ra nông sản.
Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) khuyến cáo các nông hộ thông qua hợp tác xã nên sản xuất nông sản theo hướng VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng, đưa vào siêu thị để giảm áp lực phải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.