Hướng dẫn thực hành canh tác đậu phụng
Thông qua sự hỗ trợ của Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã áp dụng phương thức sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu (CSA), mang lại hiệu quả tích cực. Để tiếp tục thực hiện các mô hình CSA đạt năng suất cao, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ (đơn vị tư vấn dự án) đã xây dựng hướng dẫn thực hành CSA cho canh tác đậu phụng tại Quảng Nam, cụ thể:
1. Thời Vụ:
- Vụ Đông Xuân: gieo vào cuối tháng 12, thu hoạch vào giữa tháng 4.
- Vụ Hè: gieo vào cuối tháng 4, thu hoạch vào giữa tháng 8.
2. Chuẩn bị đất:
- Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại, cày cho đất tơi xốp và phơi ải từ 10 – 15 ngày trước khi trồng.
- Bón lót: 5 tấn phân chuồng hoai mục + 500 kg vôi + 500 kg supe lân.
- Sau đó bừa đất nhuyễn, lên luống rộng 1 - 1,2 m.
3. Gieo hạt:
Hạt sẽ nẩy mầm khỏe nếu đảm bảo được 2 yếu tố đất tơi xốp và ẩm. Để đảm bảo đầy ẩm hạt nảy mầm, cần tưới nước cho đủ ẩm trước khi làm đất, sau đó gieo ngay khi làm đất xong vì tưới sau gieo dễ làm dí đất, hạt không mọc được.
- Sử dụng công cụ gieo hạt để gieo trên luống với cây cách cây 15 - 20 cm và hàng cách hàng 30cm, độ sâu lấp hạt khoảng 1 - 2cm.
4. Phân bón và phương thức bón phân:
- Lượng phân bón đầu tư cho 1,0 ha: 5 tấn phân chuồng + 500 kg vôi + 100 kg đạm urê + 500 kg supe lân + 200 kg kali clorua.
- Phương thức bón phân:
+ Bón phân lót: Toàn bộ phân chuồng, 50% vôi và phân lân.
+ Cách bón: Bón đều trên ruộng trước khi bừa, lên luống.
- Bón thúc:
+ Lần 1: khi cây được 3 - 4 lá thật (15 - 20 ngày), lượng phân bón là 1/2 urê và 1/2 kali, kết hợp bón thúc đợt 1 với làm cỏ phá ván.
+ Lần 2: khi cây kết thúc ra hoa (sau gieo 40 ngày), tiến hành bón thúc toàn bộ lượng phân và 50% vôi còn lại và kết hợp với làm cỏ, vun gốc.
5. Chăm sóc:
- Xới phá ván: Xới sâu cho vùng gốc cây được thoáng.
+ Lần 1: Khi cây có 3 - 4 lá thật, xới nhẹ phá ván kết hợp tỉa định cây và bón thúc lần 1.
+ Lần 2: Khi cây gần kết thúc ra hoa, vun cao gốc kết hợp bón thúc lần 2.
6. Tưới nước:
- Tần suất tưới, lượng nước tưới, lượng mưa và phân bố mưa có ảnh hưởng rõ rệt đến năng suất đậu. Vì vậy dựa vào đặc điểm sinh lý nước của cây đậu, đặc điểm khí hậu của từng vùng và từng mùa vụ có liên quan đến độ ẩm trong đất có thể tưới nước cho đậu như sau:
- Nên tưới định kỳ 3 - 5 ngày/ lần để đảm bảo đất luôn luôn đủ ẩm nhưng không được tưới ngập rãnh, các giai đoạn quan trọng không thể thiếu ẩm là khi cây ra hoa (tưới lúc này vừa có tác dụng tăng số hoa, tỷ lệ hoa có hữu hiệu cao, vừa giúp cây tăng cường khả năng tạo chất khô, tạo điều kiện kéo dài thời gian thu hoạch).
- Tưới theo rãnh, cho nước ngập ½ rãnh, đảm bảo độ ẩm đất sau 1 - 2 ngày tưới khoảng 70 - 75 % là vừa.
7. Phòng trừ sâu, bệnh hại theo phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp - IPM:
Điều tra, phân tích hệ sinh thái hàng tuần để quyết định biện pháp xử lý; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắt 4 đúng: Sử dụng đúng chủng loại thuốc bảo vệ thực vật cho từng đối tượng sâu, bệnh hại; sử dụng đúng liều lượng và nồng độ hướng dẫn; sử dụng đúng thời điểm; phun đúng kỹ thuật theo từng đối tượng sâu, bệnh hại.