Tiếp cận phương thức sản xuất bền vững

MINH TRÍ 31/12/2019 13:05

Trồng trọt theo tập quán, bón phân, phun thuốc tràn lan, không tiết kiệm nước… là phương thức sản xuất lúa thiếu bền vững mà lâu nay nông dân áp dụng. Từ sự hỗ trợ của Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới, ngành chức năng đã mở lớp tập huấn trên đồng ruộng nhằm giúp nông dân dần thay đổi thói quen canh tác theo hướng bền vững.

Cán bộ kỹ thuật cùng nông dân quan sát hệ sinh thái đồng ruộng. Ảnh: M.T
Cán bộ kỹ thuật cùng nông dân quan sát hệ sinh thái đồng ruộng. Ảnh: M.T

Xã Tam Đàn (Phú Ninh) có diện tích đất nông nghiệp 1.207ha, trong đó diện tích sản xuất lúa hàng năm lên đến gần 700ha. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc trồng trọt theo tập quán, bón phân, phun thuốc tràn lan, không tiết kiệm nước… đã làm tăng chi phí đầu tư, giảm hiệu quả kinh tế, ô nhiễm môi trường, gây hại đến sức khỏe nông dân và cộng đồng.

Vụ hè thu năm 2019, được sự hỗ trợ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Quảng Nam, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với UBND xã Tam Đàn tổ chức lớp tập huấn đồng ruộng cho nông dân (FFS) về thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA). Có 30 nông dân tham gia lớp học này, địa điểm triển khai tại thôn Thạnh Hòa (xã Tam Đàn) với giống lúa sạ tại mô hình là Khang dân 18, Đài thơm 8 trên diện tích 4 sào (2.000m2).

Trong khuôn khổ lớp tập huấn FFS, cán bộ kỹ thuật đã giới thiệu cho nông dân các nội dung như quan sát hệ sinh thái, hướng dẫn điều tra, phân tích hệ sinh thái đồng ruộng... Nông dân cũng được giới thiệu các nội dung liên quan đến canh tác cây lúa, qua đó giúp bổ sung hiểu biết về trồng và chăm sóc cây lúa, ứng dụng các kiến thức đã được học tập vào thực tế sản xuất của gia đình mình.

Nông dân trong lớp học nắm được sinh lý cây lúa qua từng giai đoạn phát triển, và có các biện pháp tác động để cây lúa sinh trưởng phát triển tốt nhất; biết được các thành phần và chức năng của mỗi thành phần trong hệ sinh thái để thấy được vai trò kiểm soát hệ sinh thái của con người, nhận thức được vai trò của mình trong việc điều khiển hệ sinh thái theo hướng có lợi, thực hiện sản xuất nông nghiệp thông minh trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, qua các ngày học tập, nông dân trong lớp học cơ bản nhận biết được các đối tượng sâu bệnh hại chính và biết cách phòng trừ thích hợp, nắm được cách điều tra, phân tích hệ sinh thái đồng ruộng để từ đó đưa ra quyết định xử lý hợp lý, có thể tự áp dụng trên ruộng nhà mình. Các kiến thức về phân bón và cách bón phân cũng được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, giúp nông dân nắm được tính chất, cách tác động của từng loại phân cũng như nhu cầu phân bón của cây lúa. Từ đó, nông dân biết được cách điều chỉnh lượng phân bón theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển, tránh việc bón thừa phân, nhất là phân đạm vừa gây phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vừa tạo điều kiện cho sâu, bệnh phát sinh gây hại, làm tăng chi phí sản xuất, giảm thu nhập...

MINH TRÍ