Tam Tiến phát triển nuôi trồng thủy sản
(QNO) - Những năm gần đây, ngành nuôi trồng thủy sản ở xã Tam Tiến (Núi Thành) phát triển ổn định. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển đời sống.
Xác định thủy sản là một trong những ngành kinh tế có vai trò quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp, Hội Nông dân xã Tam Tiến đẩy mạnh triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển nuôi trồng theo hướng bền vững.
Ông Trương Quang Luật - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Tiến cho biết, hiện nay nuôi trồng thủy sản đang là ngành mũi nhọn của địa phương. Có hơn 800 hộ nuôi trồng với tổng diện tích 275ha. Trong đó diện tích ao lót bạt 65ha với năng suất bình quân 14 tấn/ha, sản lượng ước đạt 910 tấn; diện tích ao vùng triều 210ha, năng suất bình quân 2,5 tấn/ha, sản lượng ước đạt 525 tấn.
“Việc tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tăng cường đầu tư cải tạo hệ thống hồ, dòng chảy đã tạo động lực giúp các hộ đầu tư mở rộng quy mô. Nhờ thế họ có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng” - ông Luật chia sẻ.
Mặc dù hệ thống ao, hồ phục vụ nuôi trồng thủy sản không nhiều, song với mục tiêu duy trì ổn định năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế của ngành, Hội Nông dân xã Tam Tiến chú trọng công tác quản lý, cải tạo. Nếu như mô hình nuôi trồng thủy sản trước đây đều được nông dân thực hiện tự phát, nhỏ lẻ thì đến nay Hội Nông dân xã định hướng bà con nuôi trồng tập trung, quy mô hơn. Từ các ao nhỏ diện tích 1 - 4 sào thì nay tập trung thành các ao lớn lên đến 8 sào hoặc hơn 2ha.
Tận dụng lợi thế đất đai bằng phẳng, khí hậu phù hợp, giao thông thuận lợi, nhiều gia đình áp dụng hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh với nhiều loài vật nuôi. Đặc biệt, các ao nuôi vùng triều ở thôn Tân Lộc Ngọc và Long Thành luôn đạt năng suất cao hằng năm.
Một số mô hình nuôi trồng thủy sản lâu dài và bền vững ở địa phương như hộ ông Phan Như Cẩn (thôn Diêm Điền) với hàng chục hồ nuôi tôm lót bạt. Khi tuổi đã già, ông Cẩn truyền nghề và giao các hồ tôm cho người con trai tiếp tục duy trì, phát triển. Hay ông Phan Thanh Chắc (thôn Tân Lộc Ngọc) áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nuôi các loại cá và tôm, mang lại thu nhập 600 triệu đồng/năm.
Còn trường hợp ông Trần Văn Hội (thôn Diêm Điền) trước kia làm thợ xây, đời sống vô cùng bấp bênh, nhưng sau khi chuyển sang nghề nuôi tôm, ông Hội vươn lên làm giàu với tổng thu nhập mỗi năm gần 500 triệu đồng. Ông Hội cho biết: “Hiện nay bên cạnh nuôi tôm, tôi còn phân phối giống và bán thức ăn thủy sản. Sắp tới tôi sẽ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất”.
Theo Hội Nông dân xã Tam Tiến, thời gian tới hội phối hợp với Ban nông nghiệp xã đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về việc bảo vệ môi trường nước, nuôi thả thủy sản an toàn. Hội cũng sẽ triển khai mọi chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hộ nuôi tôm, cá giống nhằm đáp ứng nhu cầu con giống tại chỗ, giảm chi phí đầu tư.