Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông

NHÃ PHƯƠNG 23/12/2019 10:16

Cuối tuần qua, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam (TTKNQN) tổ chức hội nghị đánh giá các chương trình khuyến nông năm 2019 và triển khai những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2020.

Mô hình trồng nấm rơm ở nhiều địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: N.P
Mô hình trồng nấm rơm ở nhiều địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: N.P

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Võ Văn Nghi - Giám đốc TTKNQN cho biết, với vai trò nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, đồng thời là cầu nối chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn, trong năm 2019, hệ thống khuyến nông toàn tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Theo ông Nghi, thời gian qua, hệ thống khuyến nông Nhà nước và khuyến nông của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ... đã từng bước có sự phối hợp tốt, làm cho hoạt động khuyến nông ngày càng phong phú và tăng tính hiệu quả.

Ông Lê Thương - Phó Giám đốc TTKNQN cho hay, năm 2019, tổng kinh phí thực hiện hoạt động khuyến nông do đơn vị đảm nhận hơn 8,323 tỷ đồng. Ngoài phối hợp với Báo Quảng Nam và Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam triển khai hiệu quả công tác truyền thông khuyến nông, tham gia hội chợ nông nghiệp - sản phẩm OCOP tại Đắc Lắc..., từ đầu năm đến nay trung tâm đã tổ chức được lớp tập huấn về kỹ năng lập kế hoạch và thanh quyết toán các chương trình, dự án khuyến nông; lớp tập huấn nghiệp vụ khuyến nông nhằm trang bị kỹ năng và nghiệp vụ làm công tác khuyến nông cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp chưa qua các lớp bồi dưỡng; các lớp tập huấn khuyến nông viên cơ sở với chuyên đề về cây dược liệu, chăn nuôi và các cơ chế chính sách; lớp tập huấn lập dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho cán bộ khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông.

Ngoài ra, phối hợp tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật chuyên ngành cho cán bộ khuyến nông, đối tượng chuyển giao cấp xã, cộng tác viên khuyến nông với những kỹ thuật trồng đậu phụng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và phương thức chăn nuôi bò thịt. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho 12 cán bộ kỹ thuật nông - lâm nghiệp của tỉnh Sê Kông (Lào) trong thời gian 15 ngày...

Ông Lê Thương cho biết thêm, ngoài những phần việc nêu trên, thời gian qua TTKNQN đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các mô hình trình diễn. Theo đó, trong năm 2019, từ nguồn vốn của tỉnh phân bổ, đơn vị đã triển khai xây dựng được 23 mô hình trình diễn các loại với hơn 50 điểm trình diễn. Tổng số tiền thực hiện khâu này là 3 tỷ đồng, chiếm 36% tổng nguồn kinh phí khuyến nông.

“Các mô hình khuyến nông đã được cơ cấu, bố trí nhiều chủng loại cây trồng - con vật nuôi khác nhau, đảm bảo phù hợp trên từng chân đất, từng điều kiện ở các địa phương và tập quán sản xuất của cộng đồng, đáp ứng chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, có nhiều mô hình nổi trội như trồng bắp nếp xen cây đảng sâm ở xã Ch’Ơm (Tây Giang), thâm canh đậu phụng kết hợp sử dụng công cụ gieo hạt tại xã Bình Đào (Thăng Bình), trồng nấm rơm ở các xã Bình Tú (Thăng Bình) và Tam Xuân 1 (Núi Thành), khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm tại xã Điện Quang (Điện Bàn), chăn nuôi gà ta thả vườn an toàn dịch bệnh kết hợp chế biến thức ăn tại chỗ ở các xã Tiên Cảnh (Tiên Phước) và Quế Thọ (Hiệp Đức), chăn nuôi ngan (vịt xiêm) địa phương sinh sản tại xã Tư (Đông Giang) và Phước Năng (Phước Sơn), nuôi ghép tôm thẻ chân trắng hoặc tôm sú với cá đối mục tại Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Hội An...” - ông Thương nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong năm 2019, hoạt động khuyến nông cấp huyện cũng được quan tâm đúng mức. Ngoài nguồn kinh phí từ tỉnh, trung ương đầu tư thông qua việc phối hợp thực hiện với TTKNQN thì năm 2019 chính quyền các địa phương đã chi hơn 5,8 tỷ đồng cho công tác này. Tùy vào điều kiện của từng nơi mà mức đầu tư cho các hoạt động khuyến nông khác nhau, những địa phương có nguồn kinh phí cao là Điện Bàn, Thăng Bình, Núi Thành, Hiệp Đức, Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My...

“Thực tế cho thấy, danh mục đầu tư mô hình khuyến nông của các địa phương tương đối đa dạng và phong phú, bám sát đặc thù sản xuất và thế mạnh của từng địa phương. Tuy nhiên, xét về quy mô vẫn còn nhỏ lẻ và dàn trải trên nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản...” - ông Lê Thương nhìn nhận.

NHÃ PHƯƠNG