Nuôi heo Ê Đê ở Nông Sơn cho hiệu quả cao

TÂM LÊ - MINH THÔNG 18/12/2019 09:18

(QNO) - Với ưu điểm như khả năng kháng dịch cao, phù hợp với khí hậu địa phương, dễ nuôi, chất lượng thịt thơm ngon..., heo Ê Đê được nhiều người dân trên địa bàn huyện Nông Sơn chọn nuôi và nhân rộng.

Giống heo Ê Đê có nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại Nông Sơn. Ảnh: TÂM THÔNG
Giống heo Ê Đê có nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại Nông Sơn. Ảnh: TÂM THÔNG

Năm 2017, gia đình ông Võ Đình Tư (thôn Ninh Khánh, xã Quế Ninh) tham gia mô hình nuôi heo Ê Đê và được Hội Nông dân huyện hỗ trợ 3 con heo giống. Ông Tư cho biết do mới nuôi nên 2 lứa đầu, 2 heo nái chỉ sinh 6 heo con. Tuy nhiên sau đó, trung bình mỗi lứa 2 heo mẹ sinh khoảng 12 heo con.

Theo ông Tư, nếu chăn nuôi bài bản thì một năm heo đẻ 3 lứa. Sau 6 tháng nuôi với hình thức bán chăn thả, xuất bán heo có trọng lượng khoảng 30kg. Với giá bán trước đây 80 nghìn đồng/kg hơi (nay 100 nghìn đồng), mỗi lứa heo gia đình ông thu về gần 30 triệu đồng. Không chỉ bán heo thịt, giá heo giống Ê Đê cũng được bán khá cao với khoảng 110 nghìn đồng/kg.

“Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đe dọa nhiều đàn heo ở địa phương, tuy nhiên đàn heo Ê Đê của gia đình tôi vẫn sinh trưởng ổn định. Sau 3 năm nuôi giống heo này, tôi thấy hoàn toàn thích hợp với điều kiện sinh sống ở đây, heo phát triển nhanh, có sức đề kháng và hệ miễn dịch tốt, ít khi bị bệnh. Hơn nữa, vì có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có nên chi phí nuôi heo thấp, giá thành lại cao” - ông Tư cho biết.

Trước hiệu quả của mô hình nuôi heo Ê Đê, tháng 3.2019, gia đình bà Bùi Thị Lai (thôn Đại Bình, xã Quế Trung) cũng tham gia nuôi theo hình thức bán thả rông. Theo đó, bà Lai được Hội Nông dân huyện hỗ trợ 10 heo giống và chi phí làm chuồng trại, thuốc thú y. Bà Lai mua lưới B40 rào 1,5ha đất gò đồi của gia đình, xây 4 chuồng với hệ thống cửa tự động để nuôi heo. Sau 4 tháng, 9 heo nái đã đẻ lứa đầu tiên với gần 40 heo con và đang phát triển tốt.

“Nuôi heo Ê Đê theo kiểu bán chăn thả với cửa chuồng thiết kế linh động vừa giúp heo được chăm sóc tốt hơn, đảm bảo vệ sinh môi trường, tiện cho việc chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, vừa nâng cao chất lượng thịt. Với diện tích gò đồi, ngoài nuôi heo, gia đình tôi kết hợp trồng bưởi trụ Đại Bình, quýt, chè...” - bà Lai nói.

Ông Trần Nhượt - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nông Sơn cho biết, triển khai mô hình nuôi heo Ê Đê từ năm 2017 đến nay, hội đã hỗ trợ 30 con heo giống (từ Đắc Lắc) cho 10 hộ nông dân với tổng số tiền hơn 25 triệu đồng. Từ nguồn vốn đề tài khoa học công nghệ huyện, hội cũng đã hỗ trợ 94 triệu đồng giúp 2 hộ xây dựng chuồng trại, tập huấn kỹ thuật, mua thức ăn…

Theo ông Nhượt, qua thực tế triển khai cho thấy, hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc nuôi giống heo địa phương. Hơn nữa, Nông Sơn có lợi thế về mặt bằng chăn thả, điều kiện nuôi heo Ê Đê phù hợp, nguồn thức ăn có thể tận dụng sẵn có. Thịt heo thương phẩm được thị trường ưa chuộng.

“Mô hình nuôi heo Ê Đê dưới tán lá rừng giúp nông dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình kết hợp từ trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài những thuận tiện đã nêu thì việc phát triển mô hình theo hướng vườn - chuồng này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi thói quen chăn nuôi công nghiệp, hạn chế được nhiều rủi ro trong chăn nuôi” - ông Nhượt nói.

TÂM LÊ - MINH THÔNG