Trồng bắp trên đất lúa cho năng suất cao
Vụ hè thu vừa qua, tại huyện Thăng Bình, với sự hỗ trợ của WB7 thông qua Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư), mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA) được triển khai. Nhiều chân ruộng kém hiệu quả đã được chuyển sang cây bắp, giúp tiết kiệm nước tưới và cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa.
Gia đình ông Trần Lập ở thôn Thanh Ly 2 (xã Bình Nguyên, Thăng Bình) sản xuất 2 sào bắp lai trong vụ hè thu vừa qua, thay vì trồng lúa như trước đây. Dù bị ảnh hưởng bởi sâu keo mùa thu ở giai đoạn đầu, song với giống bắp mới do WB7 hỗ trợ, cộng với việc áp dụng các phương pháp kỹ thuật tiên tiến, diện tích bắp của gia đình ông Lập phát triển khá tốt, hiệu quả kinh tế tính ra cao hơn trồng lúa. Phế phụ phẩm từ cây bắp cũng có thể tận dụng làm thức ăn cho gia súc.
Ông Lập cho biết: “Theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới, nông dân chúng tôi phải trồng cây bắp sưa ra để bộ rễ phát triển tốt, và phương pháp này thực tế đã cho hiệu quả khả quan bởi cây bắp khỏe, cho năng suất cao hơn. Đặc biệt là ít tốn công làm cỏ. Đất ở đây làm lúa thì công làm không lại, cỏ quá chừng. So với làm lúa thì trồng bắp theo mô hình CSA khỏe hơn, ít tốn công, lại nhẹ nhàng, không lo thuốc sâu rầy gây hại...”.
Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ (đơn vị tư vấn Dự án CSA tại Quảng Nam), kết quả triển khai các hoạt động của mô hình CSA luân canh cây màu (cây đậu phụng và cây bắp) trên đất lúa tại các huyện Quế Sơn, Phú Ninh, Núi Thành và TP.Tam Kỳ trong năm 2019 cho thấy:
Về sâu bệnh hại, thông qua hướng dẫn nông dân tham gia mô hình áp dụng IPM sử dụng giống mới, các kỹ thuật tác động tích cực như sử dụng phân hữu cơ, phân bón cân đối đến hệ sinh thái đồng ruộng, nên tình hình và mức độ xuất hiện sâu, bệnh ở ruộng mô hình ít nghiêm trọng hơn, vì vậy số lần phun thuốc đã giảm xuống 2 lần. Về năng suất, năng suất trung bình của các mô hình CSA cao hơn ngoài mô hình đại trà 9 - 18%. Về lợi nhuận, so với ruộng đối chứng đạt lợi nhuận bình quân 17,0 triệu đồng/ha thì ruộng mô hình CSA cao hơn 9,3 triệu đồng/ha, còn so với ruộng sản xuất đại trà lúa thì mô hình CSA chuyển đổi cây màu đạt cao hơn 10,8 triệu đồng/ha.
Chuyển đổi cây trồng trên những chân ruộng kém hiệu quả, không chủ động nước tưới là chủ trương được các địa phương tích cực triển khai. Với sự hỗ trợ của WB7 thông qua Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới, vụ hè thu vừa qua, diện tích trồng bắp tại xã Bình Nguyên đã tăng từ 2ha lên 5ha, triển khai theo mô hình CSA.
Việc sử các giống bắp lai có khả năng chịu hạn tốt, dùng dụng cụ gieo hạt để gieo trồng theo luống, bón phân hợp lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng nguyên tắc đã giúp bắp sinh trưởng tốt trong thời tiết khô hạn khắc nghiệt của năm nay. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của ngành chuyên môn cùng sự đầu tư hạ tầng thủy lợi của địa phương, diện tích trồng bắp tại Bình Nguyên sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.
Ông Võ Văn Tưởng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nguyên nói: “Địa phương khuyến khích bà con chuyển đổi diện tích lúa ở những khu vực không thuận lợi qua cây trồng cạn, đặc biệt là cây đậu và cây bắp; qua chuyển đổi thì hiệu quả kinh tế cao đến 2 - 3 lần so với làm lúa. Thời gian tới địa phương sẽ đầu tư hạ tầng tại những khu vực cao không làm lúa được. Ở những khu vực này đất không giữ được nước, nên cần đầu tư kênh tưới để bà con thuận lợi cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng”.
Dự kiến, trong vụ tới, xã Bình Nguyên sẽ chuyển thêm khoảng 2,5ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp lai. Theo tính toán, năng suất trung bình của các mô hình CSA có thể cao hơn ruộng sản xuất đại trà từ 5 đến 15%; lợi nhuận ở ruộng mô hình CSA cao hơn ruộng sản xuất đại trà từ 8 - 12 triệu đồng/ha, do giảm chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Áp dụng phương pháp sản xuất nông nghiệp thông minh sẽ giúp tận dụng hiệu quả diện tích đất sản xuất nông nghiệp, tránh tình trạng bỏ hoang đất canh tác. Ngoài ra, mô hình này còn thích ứng, giảm nhẹ tác động xấu của biến đổi khí hậu lên cây trồng để cải thiện thu nhập cho người nông dân, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo Sở NN&PTNT, trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng rõ nét thì việc chuyển đổi ruộng lúa kém hiệu quả sang những giống cây trồng cạn để thích ứng với điều kiện thời tiết là vô cùng cần thiết. Mô hình này được triển khai thông qua Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nông dân và gặt hái được những kết quả khả quan...