Phú Ninh: Vượt khó sản xuất nông nghiệp

ANH ĐÔNG 09/12/2019 15:24

Gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của lũ lụt, hạn hán và dịch bệnh nhưng sản xuất nông nghiệp của huyện Phú Ninh trong năm 2019  vẫn đạt kế hoạch đề ra.

Dưa hấu là sản phẩm nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Phú Ninh. Tuy nhiên, vẫn đề xây dựng thương hiệu, liên doanh, liên kết sản xuất còn nhiều yếu kém cần phải có giải pháp khắc phục. Ảnh: V.A
Dưa hấu là sản phẩm nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Phú Ninh. Tuy nhiên, vẫn đề xây dựng thương hiệu, liên doanh, liên kết sản xuất còn nhiều yếu kém cần phải có giải pháp khắc phục. Ảnh: V.A

Nhiều trở ngại

Ông Võ Thanh Anh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh cho biết, sản xuất nông nghiệp năm 2019 diễn ra trong điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi. Đầu vụ đông xuân, do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh, thời tiết có mưa vừa, mưa to đến rất to, đặc biệt đợt mưa lớn trên diện rộng từ ngày 8 - 11.12.2018 đã gây ngập lụt tại một số địa phương như Tam Đàn, Tam An, Tam Thành..., ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, nhiều diện tích rau màu vụ đông xuân sản xuất sớm bị ngập úng hư hại, sinh trưởng kém. Ở đầu vụ gieo sạ, mưa lạnh kéo dài làm một số diện tích lúa mới xuống giống hư hại phải sạ đi sạ lại nhiều lần. Chưa hết, đến cuối tháng 3.2019, mưa rải rác thất thường làm cho một số diện tích bị lép. Vào vụ hè thu (giữa tháng 6 - 7.2019), nắng nóng xuất hiện kéo dài dẫn đến một số diện tích thiếu nước sản xuất. Đặc biệt, trong chăn nuôi, bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh cuối tháng 5.2019 và lây lan trên địa bàn toàn huyện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chăn nuôi; làm cho đàn heo trên địa bàn huyện giảm khoảng 33% so với cùng kỳ năm trước...

Trước những khó khăn đó, ngành NN&PTNT và UBND các xã, thị trấn đã chủ động ứng phó, triển khai nhiều giải pháp cấp thiết cùng sự nỗ lực của bà con nông dân nên kết quả sản xuất nông nghiệp của huyện đã đạt kết quả và các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Theo đó, tổng giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản năm 2019 ước đạt hơn 753 tỷ đồng (tăng 3,6% so với năm 2018); sản lượng lương thực đạt 45.392 tấn (đạt trên 100% kế hoạch), trong đó sản lượng lúa đạt 39.440 tấn (năng suất lúa bình quân đạt hơn 59 tạ/ha) và sản lượng bắp đạt gần 5.905 tấn (năng suất bình quân đạt 58 tạ/ha).

Trong năm, huyện đã sản xuất được 623ha lúa giống hàng hóa, sản lượng ước đạt hơn 2.400 tấn giống các loại; triển khai thực hiện các cánh đồng thu nhập cao (đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm) với trên 1.300ha (tăng hơn 20ha so với cùng kỳ năm 2018); sản xuất 700ha dưa hấu với năng suất bình quân đạt 27 tấn/ha, sản lượng ước đạt gần 19 ngàn tấn… Tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, dự kiến đến cuối năm đàn trâu hơn 10 nghìn con, bò hơn 14 nghìn con; đàn gia cầm tăng hơn 1 triệu con.

Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp

Ngành NN&PTNT huyện nhìn nhận, trong sản xuất nông nghiệp, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn nhiều tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục dẫn đến việc phát triển nông nghiệp chưa bền vững và mang tính đột phá. Đó là công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhiều nơi còn nhỏ lẻ, manh mún chưa tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa. Đặc biệt, việc tổ chức liên doanh liên kết dù có chuyển biến, nhưng chưa ổn định và quy mô sản phẩm hàng hóa còn hạn chế. Sản phẩm làm ra của người nông dân còn chịu tác động của thị trường, như trường hợp của dưa hấu…

Chỉ đạo triển khai nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp năm 2020, ông Nguyễn Đạo - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh đề nghị ngành NN&PTNT và UBND các xã, thị trấn chuẩn bị thật tốt các điều kiện để triển khai sản xuất đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống do Sở NN&PTNT tỉnh ban hành. Dự kiến, vụ đông xuân tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường khả năng cao xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn, các địa phương cần chủ động ứng phó tình hình thiên tai, bão, lũ trong các tháng 11, 12.2019. Đồng thời có kế hoạch phòng, chống hạn từ đầu vụ hè thu; tăng diện tích sản xuất các loại cây trồng cạn theo thứ tự ưu tiên về diện tích chuyển đổi: bắp, đậu phụng, các loại đậu lấy hạt, cây thực phẩm, cây thức ăn gia súc...

Đặc biệt cần tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển mạnh các mô hình sản xuất tập trung, có hiệu quả kinh tế cao. Bao gồm các mô hình: sản xuất rau an toàn tại xã Tam An, Tam Đàn, Tam Thành; sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Tam Phước với diện tích 30ha; phát triển một số mô hình sản xuất cây dược liệu tại xã Tam Đại, Tam Lộc, Tam Thành, Tam Dân... với diện tích 50ha; đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, trong đó chú trọng cây ăn quả và dược liệu tại thị trấn Phú Thịnh, Tam Dân, Tam Vinh, Tam Đại, Tam Phước, Tam Lãnh... với diện tích hơn 80ha; phát triển chăn nuôi hàng hóa quy mô hộ gia đình, thu hút đầu tư chăn nuôi tập trung quy mô lớn; duy trì, phát triển nhãn hiệu dưa hấu Kỳ Lý, trứng gà Văn Học, nhãn hiệu tiêu Phú Thịnh, rau an toàn Tam Thành, Tam An.

Ngoài ra, các địa phương cần tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích lúa không chủ động nước sang phát triển cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao. Tập trung thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phấn đấu có ít nhất 3 sản phẩm được công nhận 4 sao trở lên và mỗi xã có ít nhất 1 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên. Đẩy mạnh công tác tích tụ ruộng đất bằng hình thức vận động người dân cho tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp thuê đất để sản xuất.

ANH ĐÔNG