Hiệu quả từ những mô hình điểm

MINH TRÍ 05/12/2019 11:59

Từ sự hỗ trợ của Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư), nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã áp dụng phương thức sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu (CSA), mang lại hiệu quả tích cực.

Mô hình CSA trên cây lúa cho năng suất và hiệu quả khả quan. Ảnh: M.T
Mô hình CSA trên cây lúa cho năng suất và hiệu quả khả quan. Ảnh: M.T

Biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, vì vậy tìm ra phương thức canh tác phù hợp trong điều kiện thời tiết bất lợi là hết sức quan trọng. Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới được xem là hướng đi thích hợp để nông dân trên địa bàn tỉnh nắm bắt được kỹ thuật canh tác mới, dần nhân rộng trên địa bàn nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Dự án có các mục tiêu như nâng cao năng suất và hiệu quả bền vững thông qua giảm chi phí sản xuất (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thất thoát sau thu hoạch, áp dụng cơ giới hóa…); tăng chất lượng và giá sản phẩm; giảm ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính thông qua giảm phân, thuốc bảo vệ thực vật và tưới nước hợp lý; tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp cho chăn nuôi gia súc lớn hoặc làm phân bón/không đốt phế phụ phẩm sau thu hoạch; thích ứng/giảm nhẹ tác động xấu của điều kiện biến đổi khí hậu thông qua chọn thời vụ an toàn cho cây sinh trưởng phát triển thuận lợi, chăm sóc cây khỏe để tăng sức kích kháng của cây trồng; nâng cao năng lực cho người dân thông qua các lớp tập huấn, tuyên truyền, hội thảo, đồng thời nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu.

Sau thành công của 5 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng các thực hành CSA tại huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Đại Lộc và Phú Ninh, đơn vị tư vấn Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới là liên danh Viện Nước tưới tiêu và môi trường và Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ đã xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình CSA, đã được Sở NN&PTNT phê duyệt và triển khai ở nhiều địa phương bắt đầu từ vụ đông xuân 2018 - 2019. Mô hình CSA được triển khai tại 7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh gồm Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành và TP.Tam Kỳ với các hoạt động cụ thể: Xây dựng mô hình trình diễn các hoạt động CSA trong canh tác lúa, diện tích 3.410ha (1.815ha năm 2019, 1.595ha năm 2020). Xây dựng mô hình trình diễn các hoạt động CSA luân canh cây màu trên đất lúa, diện tích 247ha (92ha năm 2019, 155ha năm 2020). Xây dựng mô hình trình diễn các hoạt động CSA đa dạng hóa cây màu, diện tích 345ha (95ha năm 2019, 250ha năm 2020).

Ông Bùi Ngọc Thao (đại diện đơn vị tư vấn) cho biết, mô hình CSA được triển khai theo phương pháp khuyến nông có sự tham gia của nông dân, trong đó nông hộ tham gia đối ứng về phần vật tư, công lao động trực tiếp. Dự án hỗ trợ kỹ thuật, 100% giống và công cụ gieo hạt (dụng cụ kéo sạ hàng lúa, công cụ gieo hạt như bắp, đậu phộng, đậu xanh…), toàn bộ sản phẩm nông hộ được hưởng. Việc triển khai xây dựng mô hình cũng có sự tham gia của chính quyền, đoàn thể tại địa phương, thông qua công tác truyên tuyền vận động thực hiện chủ trương của dự án, giám sát kết quả thực hiện và tuyên truyền nhân rộng kết quả của mô hình.

Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ, diện tích nhân rộng chính các mô hình CSA đến nay đã đạt 78,2% so với kế hoạch năm 2019 (1.565/2002ha) và qua thống kê từ kết quả xây dựng mô hình trình diễn các hoạt động CSA trong canh tác cây lúa tại 7 huyện trong 2 vụ đông xuân 2018 -2019 và hè thu 2019 cho thấy, việc thực hiện các hoạt động CSA trong mô hình đã mang lại hiệu quả cao hơn so với phương thức canh tác truyền thống như năng suất trung bình của các mô hình CSA cao hơn ruộng sản xuất đại trà (đối chứng) từ 5,3 tạ/ha; về lợi nhuận, mô hình CSA cao hơn sản xuất đại trà 5 triệu đồng/ha, do giảm chi phí 2 triệu đồng/ha từ giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả triển khai các hoạt động của mô hình CSA luân canh cây màu (cây đậu phộng và cây bắp) trên đất lúa cũng cho thấy năng suất trung bình của các mô hình CSA cao hơn ngoài mô hình đại trà  9 - 18%; lợi nhuận cao hơn 9,3 triệu đồng/ha. Trong khi đó, kết quả triển khai các hoạt động của mô hình CSA đa dạng hóa cây màu trên đất lúa cho năng suất trung bình cao hơn mô hình đại trà 5 - 19,9%... “Điều quan trọng hơn, kết quả của các mô hình CSA là đã thay đổi nhận thức của bà con nông dân trong bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và sản xuất nông nghiệp sạch” - ông Bùi Ngọc Thao nói.

MINH TRÍ