Bình Nam tích tụ ruộng đất
Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Bình Nam (Thăng Bình), nhiều diện tích đất người dân không sản xuất, lát mọc, chuột sinh sôi. Điều đáng nói, diện tích bỏ hoang có nguy cơ lan rộng ra các khu vực xung quanh. Để khắc phục tình trạng này, mới đây địa phương triển khai tích tụ tập trung ruộng đất tại cánh đồng 20ha thuộc tổ 3 và 4 (thôn Thái Đông).
Canh tác 450m2 đất tại cánh đồng này, ông Trần Văn Tài (ở tổ 3, thôn Thái Đông) cho biết rất phấn khởi khi tham gia tích tụ tập trung ruộng đất. Bởi, trước đây, mặc dù ông vẫn sản xuất nhưng những hộ xung quanh bỏ hoang nên bị ảnh hưởng. Cây lát có nguy cơ xâm lấn và chuột thì hoành hành.
“Chủ trương đưa ra tôi rất là mừng, phá bờ vùng, bờ thửa, không có sâu bệnh, chuột, cắn phá lúa. Không những vậy còn được hệ thống kênh mương bằng bê tông để thuận lợi cho việc lấy nước, thoát nước; đó là chưa kể sẽ có đường bê tông giao thông nội đồng” - ông Tài chia sẻ.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của Khu công nghiệp Tam Thăng 2, những lao động trẻ ở xã Bình Nam chuyển sang làm công nhân. Lao động nông nghiệp ở đây chủ yếu là người lớn tuổi. Chính vì vậy, việc bỏ đất, không sản xuất ngày càng nhiều. Tình trạng này có nguy cơ lan rộng. Con số 5ha đất bị bỏ hoang trên toàn bộ cánh đồng hiện nay có thể tăng lên trong thời gian tới nếu không có giải pháp kịp thời.
Vụ đông xuân 2019 - 2020, UBND xã Bình Nam chỉ đạo cho Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Nam triển khai thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất trên cánh đồng tại tổ 3 và 4, thôn Thái Đông. Ông Trần Văn Ninh - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Bình Nam cho hay, khi thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất, hợp tác xã sẽ liên kết với Công ty giống Thái Bình để sản xuất giống 13/2 mỗi năm 2 vụ. Loại giống này rất hợp với điều kiện thực tế ở đây. Riêng đối với những diện tích bỏ hoang, khu vực nào sâu thì lên ô, hào để trồng sen, hiệu quả đem lại hứa hẹn rất cao.
“Khi chưa thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất thì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không có tổ chức sản xuất cũng không đưa cơ giới hóa vào sản xuất nên hiệu quả rất thấp. Khi thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất thì tiến hành phá bờ, có thể áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Lúc này, hợp tác xã sẽ hỗ trợ nhân dân từ khâu làm đất, giống, phân bón, thu hoạch. Làm theo kiểu này lợi nhuận rất cao” - ông Trần Văn Ninh cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nam, chủ trương này rất hợp với lòng dân, chưa bao giờ chuyện họp dân lại trở trên dễ dàng và có sự thống nhất cao như vậy. Năm 2017, khi địa phương bắt đầu thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất, việc vận động nhân dân rất khó khăn. Bởi, người dân sợ mất đất và một phần vì đã quen với kiểu sản xuất manh mún, truyền thống. Thế nhưng, sau 2 năm thực hiện, chính những kết quả đạt được đã giúp nông dân ngày càng mặn mà hơn với tích tụ tập trung ruộng đất. Hơn nữa, chủ trương này rất hợp thời điểm khi Khu công nghiệp Tam Thăng 2 phát triển, thu hút lao động. Nếu không có chủ trương này, từng bước cánh đồng sẽ bị hoang hóa, do một vài hộ bỏ thì sẽ ảnh hưởng đến các hộ lân cận và lan rộng ra.
Đến nay Bình Nam đã thực hiện tích tụ ruộng đất được 57ha đất sản xuất lúa. Những ngày này, máy cày, xe múc đã được huy động để phá bờ vùng, bờ thửa. Không khí rộn ràng cả một cánh đồng. Cơ giới hóa trong sản xuất, giảm thiểu công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất là điều người dân đang mong chờ.