Lúng túng trong sản xuất nông nghiệp
Chiều qua 21.11, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh có cuộc làm việc với lãnh đạo Sở NN&PTNT về tình hình phát triển sản xuất nông nghiệp và thực hiện cơ chế hỗ trợ liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm trong thời gian qua. Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh.
Giá trị sản xuất tăng không đáng kể
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, năm 2019 cả tỉnh gieo trồng 146.700ha cây hàng năm; trong đó cây lương thực có hạt 96.860ha, cây chất bột có củ 13.800ha, cây có hạt chứa dầu 11.400ha... Riêng cây lúa, trong 2 vụ sản xuất đông xuân và hè thu năm nay toàn tỉnh gieo sạ 84.860ha, năng suất bình quân đạt 47 tạ/ha, tổng sản lượng ước đạt 56.400 tấn. Trên lĩnh vực chăn nuôi, trong 10 tháng đầu năm 2019 Quảng Nam sản xuất - cung ứng ra thị trường 44.095 tấn thịt trâu, bò, heo hơi, 11.500 tấn thịt gia cầm các loại và 190,7 triệu quả trứng.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đến nay tổng số tàu cá khai thác thủy sản trên toàn tỉnh là 3.030 chiếc. Trong đó, số tàu cá có khả năng hoạt động xa bờ là 744 chiếc, tăng 130 chiếc so với cuối năm 2018. Trong 10 tháng đầu năm 2019, tổng sản lượng thủy sản khai thác của tỉnh đạt 84.640 tấn các loại, tăng 2.940 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Về nuôi trồng thủy sản, ước tính cả năm nay tổng sản lượng đạt 23.500 tấn, tăng 1.000 tấn so với năm 2018. Trên lĩnh vực lâm nghiệp, tổng sản lượng gỗ khai thác trong năm nay ước đạt hơn 1,2 triệu mét khối và đến nay Quảng Nam đã có hơn 3.100ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC...
“Theo ước tính, năm 2019 tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh đạt 13.688 tỷ đồng, tăng 0,75% so với năm 2018. Trong đó, nông nghiệp đạt 8.198 tỷ đồng, lâm nghiệp đạt 1.433 tỷ đồng, thủy sản đạt 4.057 tỷ đồng” - ông Tấn nói.
Thời gian qua, Quảng Nam có không dưới 70 hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) thực hiện việc liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản với nhiều doanh nghiệp. Bình quân hằng năm số HTXNN vừa nêu liên kết với các công ty tổ chức sản xuất 3.000 - 4.000ha lúa giống, 300ha đậu xanh, 30ha bắp trên những mô hình cánh đồng mẫu lớn theo phương thức bao tiêu đầu ra sản phẩm.
“Thực hiện Quyết định số 41/QĐ-UBND (ngày 4.12.2014) của UBND tỉnh, trong 2 năm 2017 - 2018 các đơn vị liên quan tiếp tục giải ngân gần 4,3 tỷ đồng cho các HTXNN để thực hiện việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và xây dựng cánh đồng mẫu” - ông Ngô Tấn nói.
Nhiều tồn tại
Theo ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi ở nhiều địa phương còn chậm và lúng túng. Hiện tượng suy giảm thâm canh trên lĩnh vực trồng trọt vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, nhất là các vùng ven đô, vùng có công nghiệp phát triển. Vì vậy, cần mời các chuyên gia giỏi về nghiên cứu tổng thể và đề xuất giải pháp căn cơ vấn đề này.
Về chính sách hỗ trợ nông nghiệp, cần đầu tư đủ mạnh, hướng đến 3 khâu mũi nhọn là liên kết sản xuất; chế biến, bảo quản; khuyến khích xây dựng thương hiệu để tiêu thụ sản phẩm... Còn ông Ngô Tấn nhìn nhận, thời gian qua việc chỉ đạo phòng chống dịch bệnh chưa quyết liệt; số lượng các cơ sở chăn nuôi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP còn rất ít; chưa hình thành những vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Về ngành thủy sản, số lượng tàu cá khai thác gần bờ còn chiếm tỷ lệ cao, việc chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng bãi ngang vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Về lâm nghiệp, hiệu quả sản xuất - kinh doanh và năng lực cạnh tranh của ngành còn thấp...
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, việc phát triển sản xuất gắn với liên kết sản phẩm theo chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế, nhất là khâu xác định sản phẩm chủ lực, công nghệ thu hoạch, chế biến, thị trường tiêu thụ... Đặc biệt, còn lúng túng trong việc triển khai các đề án phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Công tác quản lý giống cây dược liệu còn nhiều bất cập, quy mô sản xuất còn nhỏ, giá cả đầu ra sản phẩm dược liệu bấp bênh...
Đáng chú ý, việc thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn nhiều tồn tại như: chỉ áp dụng cho lĩnh vực trồng trọt, quy định hỗ trợ tập trung vào khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chứ chưa quy định cụ thể hỗ trợ khâu chế biến... Trong khi đó, doanh nghiệp chưa tham gia cùng với địa phương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất theo quy mô cánh đồng mẫu lớn. Bởi hầu hết doanh nghiệp chủ yếu liên kết sản xuất, tiêu thụ theo từng vụ chứ không tính đến chuyện lâu dài.