Mô hình trồng ổi hữu cơ cho hiệu quả cao
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Duy Xuyên mạnh dạn cải tạo các khu vườn đồi để bố trí trồng giống ổi lê Đài Loan, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện cuộc sống.
Nhận thấy vùng đất Gò Rang và đập Cây Sơn thuộc địa bàn thôn Cẩm An (xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên) còn nhiều khoảng trống, tháng 9.2017 ông Trần Ba – người dân địa phương tiến hành cải tạo đất và bố trí trồng 600 gốc ổi lê Đài Loan trên diện tích gần 2ha. Để cây ổi sinh trưởng, phát triển tốt và đảm bảo vấn đề về môi trường, trong suốt quá trình thâm canh, ông chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ để bón lót, thông qua việc chủ động liên hệ với những trại nuôi gà, dê, cút... mua rồi đem về ủ, tuyệt đối không dùng những loại thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Trần Ba cho biết thêm, ngoài việc chuẩn bị lượng phân hữu cơ cần thiết, để cây ổi sinh trưởng và phát triển tốt, ông luôn duy trì độ ẩm của đất từ 70 - 80%, đảm bảo cây trồng được cung cấp đầy đủ nước. Ngoài ra, ông thường xuyên cắt bỏ cỏ dại và vun xới quanh gốc cây. Nếu tán rậm thì cắt tỉa cành liên tục và đúng kỹ thuật. Khi quả to bằng ngón tay cái, ông dùng túi bọc chuyên dụng để bọc quả, qua đó giúp tránh được côn trùng gây hại và trái ổi thơm ngon, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Theo ông Ba, đây là giống ổi tương đối dễ trồng, ít tốn phân bón, nhẹ công chăm sóc nên chi phí đầu tư thấp, cây ra hoa nhiều và cho trái liên tục, tỷ lệ đậu trái cao, thu hoạch quanh năm. Với ưu điểm vỏ láng mỏng, thịt màu trắng, giòn ngọt và thơm ngon nên ổi được nhiều người ưa chuộng. “Với 600 gốc ổi, bình quân mỗi tháng tôi hái 250kg quả, bán với mức giá khoảng 30 nghìn đồng/kg thì thu về hơn 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, xen lẫn giữa các gốc ổi, tôi còn trồng thêm các loại cây ăn quả khác như bưởi, mít, mãng cầu... hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao. Gia đình tôi cũng đang hướng đến phát triển kinh tế vườn kết hợp làm du lịch sinh thái” – ông Trần Ba chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Chí Công – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Duy Xuyên, những năm gần đây nhiều hội viên nông dân trên địa bàn mạnh dạn cải tạo các vườn tạp, diện tích đất trống hay sản xuất kém hiệu quả để chuyển sang trồng giống ổi này. Chính quyền các địa phương và hội nông dân các cấp cũng đi khảo sát, giúp người dân ứng dụng bài bản khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nhằm tăng năng suất, hiệu quả cây trồng. Đồng thời tạo mọi điều kiện tốt nhất về nguồn vốn thông qua chương trình vay vốn của các ngân hàng hay quỹ hỗ trợ nông dân. Còn ông Huỳnh Văn Ánh – chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, hiện nay ổi lê Đài Loan không chỉ được trồng ở xã Duy Trung mà còn nhân rộng ra ở các xã Duy Vinh, Duy Phú, Duy Sơn và thị trấn Nam Phước. Đây là giống ổi dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, cho năng suất cao, trọng lượng trung bình khoảng 3 quả/kg, nhiều quả đạt 0,5kg. “Nhờ năng suất, chất lượng và nhất là đảm bảo môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm nên loại ổi này được thị trường khá ưa chuộng và đang rơi vào tình cảnh “cháy hàng”, giá bán dao động từ 25 - 30 nghìn đồng/kg nên giúp nhiều hộ dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo và bắt đầu tạo dựng thương hiệu nông sản sạch” – ông Ánh nói.