Trồng hoa, cây cảnh: Hạn chế dần thuốc bảo vệ thực vật
Dùng số lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong trồng hoa, cây cảnh gây nên những tác hại lớn đối với môi trường, sức khỏe con người. Ở 2 vựa hoa lớn của tỉnh là TP.Hội An và TP.Tam Kỳ, ngành chức năng khuyến cáo các hộ trồng hoa, cây cảnh nên sử dụng thuốc sinh học, dần thay thế thuốc BVTV.
Nguy hại
Ở 3 vùng chuyên canh trồng quật tết trên địa bàn TP.Hội An là Cẩm Hà, Thanh Hà và Tân An, lượng thuốc BVTV được các nông hộ sử dụng để hạn chế sâu bệnh tấn công quật là rất lớn khi mỗi năm, 3 địa phương này cung cấp ra thị trường hàng trăm nghìn chậu quật tết. Những ngày này, thời tiết thất thường, mưa liên tục, sâu bệnh, côn trùng dễ hoạt động nên thuốc BVTV được các nông hộ sử dụng với mật độ và liều lượng lớn. “Nếu thời tiết thuận lợi thì trung bình 7 - 10 ngày, tôi phun thuốc BVTV để hạn chế rầy tấn công quật. Những ngày qua, sâu, rầy hoạt động mạnh nên tôi phun thuốc BVTV liên tục hằng ngày, lượng thuốc cũng đậm đặc hơn mới phát huy hạn chế sâu bệnh. Mỗi năm chỉ có 1 vụ quật tết nên dù biết thuốc BVTV rất nguy hại nhưng vẫn phải sử dụng liên tục” - anh Lê Tấn Hỷ (thôn Bầu Ốc Thượng, xã Cẩm Hà) cho biết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều hộ trồng quật tết phun thuốc BVTV 2 lần trong ngày, vào buổi sáng sớm và lúc chập tối. Anh Lê Tấn Hải (hộ trồng quật tết ở phường Thanh Hà) cho biết, không thể thay thế thuốc BVTV bằng các loại thuốc khác được vì rầy hễ tấn công là không chữa được bệnh cho quật. Sức công phá của rầy ghê lắm. Cái giá phải trả của gia đình tôi sau gần 10 năm theo nghề trồng quật tết là cả 5 thành viên đều bị bệnh dị ứng về mũi, không thể chữa trị dứt điểm được.
Theo UBND TP.Hội An, trồng quật tết là nghề đem lại giá trị kinh tế cao cho các nông hộ. Cứ đến cuối tháng 11, đầu tháng Chạp là các tư thương ở khắp các tỉnh, thành trên phạm vi cả nước không hẹn mà gặp nhau ở các vựa trồng quật tết trên địa bàn thành phố để đặt mua quật tết. Có nhiều nông hộ chỉ sau vụ quật tết là có nguồn thu nhập hàng tỷ đồng. Nghề trồng quật tết giải quyết rất nhiều lao động nhàn rỗi và tạo cú hích thúc đẩy nghề đúc chậu ngày một phát triển ở các khu vực nội thành và ngoại ô của TP.Hội An. Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, địa phương khó quy hoạch, khuyến khích phát triển trồng hoa, cây cảnh. Nguyên nhân là nếu tập trung tại 1 khu vực thì với mức độ dùng thuốc BVTV quá nhiều, liều lượng cao, chất độc sẽ ngấm vào không khí, hòa tan trong nước khiến môi trường sinh thái sẽ bị đầu độc nghiêm trọng.
Ở TP.Tam Kỳ, nông dân phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh tết tập trung chủ yếu vào các loại hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa ly ly... Thời tiết xấu vào những ngày này khiến cho các nông hộ trồng hoa tết chăm chú phun thuốc BVTV để hạn chế tác hại của sâu bệnh. Nhiều nông hộ trồng hoa tết ở các phường Trường Xuân và xã Tam Ngọc cho biết, thuốc BVTV là rất khó thay thế vì tác dụng nhanh, trực tiếp. Nếu dùng thuốc khác thì có khi chưa ngăn chặn được mầm bệnh này thì các loại hoa đã bị sâu bệnh tấn công nhiều mầm bệnh khác. “Hoa cúc và hoa ly ly hễ bị bệnh thì rất khó chữa trị vì gốc rất dễ thối rữa. Phải phun thuốc BVTV nhiều lần trong ngày để bảo vệ hoa tết chứ không thì thua lỗ, nợ nần chồng chất. Mà nghề này hễ thành công thì thu lợi lớn nên phải đánh đổi thôi” - ông Phan Hát (hộ trồng hoa ly ly ở xã Tam Ngọc) nói.
Dần thay thế
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, lạm dụng thuốc BVTV trong trồng hoa, cây cảnh là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc cấp tính, mạn tính và nhiều bệnh hiểm nghèo trên người do tiếp xúc với môi trường hoặc ăn phải thực phẩm có chứa dư lượng thuốc. Không những thế, thuốc BVTV còn gây giảm đa dạng sinh học, ảnh hưởng xấu đến các sinh vật có ích, gây kháng thuốc của sinh vật gây hại, bùng phát dịch hại, ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí…
Bà Trần Thị Hồng Trang - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp TP.Hội An cho rằng, để hạn chế tác hại của thuốc BVTV, ngành nông nghiệp đã chú trọng tuyên truyền các nông hộ trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn nên dùng thuốc sinh học để thay thế thuốc BVTV. Các nông hộ có ghi nhận vì chính họ là những người đầu tiên và chịu tác động xấu trực tiếp của thuốc BVTV. Tuy nhiên, mới chỉ có các hộ trồng hoa tết hưởng ứng còn các hộ trồng quật tết thì... lắc đầu. Bởi vậy, đối với các hộ trồng quật tết, ngành chức năng khuyến cáo dùng thuốc BVTV với liều lượng thấp dần, số ngày phun thuốc trong tuần cũng nên nới lỏng. “Khi phun thuốc BVTV cho quật tết, nông hộ nên chọn thời điểm thích hợp để giảm mức độ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng dân cư trong khu vực cũng như môi trường sinh thái nói chung. Nông dân nên trồng hoa, cây cảnh theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ, ưu tiên dùng thuốc sinh học, thay thế dần thuốc BVTV, ưu tiên dùng phân bón hữu cơ thay cho phân bón vô cơ” - bà Trang nói.
Ông Đoàn Nhơn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp TP.Tam Kỳ cho biết, vào thời điểm này, hầu hết nông hộ trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn đều dùng thuốc BVTV. Trong khi đó, trên thị trường, hàng loạt loại thuốc BVTV được bày bán nhưng rất hiếm thuốc sinh học bảo vệ hoa, cây cảnh. Nếu nông hộ lùng sục để mua thuốc sinh học thì phải đến các đô thị lớn, tuy nhiên giá bán cũng rất cao. Ông Nhơn cho rằng, sẽ phối hợp với Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ tham mưu UBND TP.Tam Kỳ có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thuốc sinh học với giá bán phải chăng. Ðể hướng đến nền nông nghiệp sạch, trong đó có hoa, cây cảnh thì trong quá trình sản xuất, người dân cần ưu tiên sử dụng thuốc sinh học. Ðồng thời, phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” là đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp. Cùng với đó, các xã, phường cần tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ thủ công, sử dụng các loại bẫy, bả xua đuổi côn trùng gây hại để bảo vệ hoa, cây cảnh.