Nhiều địa phương ở Thăng Bình tái diễn dịch tả lợn châu Phi

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC 11/11/2019 14:13

Mặc dù đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới, nhưng bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn tái diễn trên đàn heo ở nhiều địa phương của huyện Thăng Bình.

Gia đình ông Trần Tấn Hồng vẫn còn 1 con heo nái sống sót sau dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: BIÊN THỰC
Gia đình ông Trần Tấn Hồng vẫn còn 1 con heo nái sống sót sau dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: BIÊN THỰC

Gia đình ông Trà Tấn Hồng (tổ 5, thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc) có 8 con heo. Cách đây 4 tháng, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên 6 con trong đàn heo của gia đình, ông Hồng không khai báo với chính quyền địa phương mà tự đi tiêu hủy. Tưởng dịch bệnh không xảy ra với 2 con heo nái còn lại, nhưng giữa 10 vừa qua, dịch bệnh tiếp tục xảy ra khiến 1 con heo nái gần đẻ buộc phải tiêu hủy với trọng lượng 92kg. Hiện nay trong chuồng trại của gia đình ông Hồng chỉ còn con heo nái khoảng 40kg.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên đàn heo ở xã Bình Định Bắc vào ngày 4.6.2019. Tính đến thời điểm này toàn xã đã tiêu hủy hơn 2.277 con, trọng lượng hơn 91 tấn. Tổng số tiền phải hỗ trợ người chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy do mắc dịch tả lợn châu Phi là 2,5 tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ tiêu hủy khoảng 550 triệu đồng. Đến nay, địa phương này đã hỗ trợ kinh phí 100 triệu đồng cho các hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy đợt đầu, trích 120 triệu đồng để hỗ trợ công tác tiêu hủy.

Ông Lê Văn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc cho biết, dịch bệnh xảy ra trên đàn heo vào ngày 4.6, thì đến ngày 23.9 đã tạm ngưng. Tuy nhiên sau 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới thì đến ngày 24.10, dịch bệnh tiếp tục xảy ra tại 2 hộ của thôn Đồng Dương. Điều này cho thấy, bệnh dịch tả lợn châu Phi rất khó phòng chống, mặc dù chính quyền địa phương đã nỗ lực dập dịch, phun thuốc tiêu độc khử trùng môi trường, tuyên truyền các hộ chăn nuôi làm tốt việc cách ly chuồng trại.

“Thời gian có dịch tả lợn châu Phi, địa phương đã gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tiêu hủy do không có lực lượng phải thuê bên ngoài. Mặc khác, ở đây khu vực đồi núi nên việc đào lấp không hề dễ dàng” - ông Lê Văn Lợi nói.

Tính đến cuối tháng 10, toàn huyện Thăng Bình đã tiêu hủy 75.298 con heo các loại với trọng lượng gần 4.000 tấn. Tổng số tiền hỗ trợ các hộ chăn nuôi và công tác tiêu hủy khoảng 125 tỷ đồng. Đến nay, Thăng Bình đã tạm ứng 34 tỷ đồng để hỗ trợ cho người chăn nuôi và công tác tiêu hủy.

Theo ông Lê Văn Để - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra đầu tiên tại xã Bình Dương vào ngày 21.5 và kéo dài cho đến nay. Trong quá trình xảy ra dịch bệnh, có 2 địa phương là Bình Dương và Bình Định Bắc đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới, tuy nhiên ở các ổ dịch cũ bệnh vẫn tái diễn.

Ông Lê Văn Để nói: “Mầm bệnh vi rút dịch tả lợn châu Phi sống trong không khí thời gian rất dài (khoảng 6 tháng). Dịch bệnh tái phát do nhiều nguyên nhân như việc cách ly chuồng trại chưa đảm bảo, nhiều người vào ra chuồng trại hoặc chim, chuột mang theo vi rút mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong khi đó, loại dịch bệnh này chưa có vắc xin nên chủ yếu phòng là chính. Nếu lơ là phòng dịch thì nguy cơ tái phát dịch bệnh rất cao”.

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC