Bám trụ với tơ tằm

QUỐC TUẤN 30/10/2019 10:32

Hội thảo đầu bờ tổng kết mô hình khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang tổ chức hôm qua (29.10) đã chỉ ra những rào cản cần tháo gỡ để phát triển rộng rãi hơn nghề trồng dâu nuôi tằm tại Điện Quang (Điện Bàn) trong thời gian tới. 

Người trồng dâu nuôi tằm cần thêm những hỗ trợ để khôi phục nghề truyền thống. Ảnh: Q.T
Người trồng dâu nuôi tằm cần thêm những hỗ trợ để khôi phục nghề truyền thống. Ảnh: Q.T

Khả quan bước đầu

Đến nhà bà Cao Thị Nga (thôn Bến Đền Tây, xã Điện Quang), đoàn khảo sát khá tâm đắc và hồ hởi khi chứng kiến gia đình bà đã thu hoạch được một mí tằm (lứa tằm) chất lượng. Được biết, mí tằm của bà Nga bắt đầu triển khai khoảng gần 1 tháng trước và thu được 30kg kén từ một hộp trứng. Toàn bộ số kén trên sẽ được Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam bao tiêu đầu ra. Tuy nhiên, để cho được một mí tằm khả quan như vậy là cả quá trình vất vả. Bà Nga cho biết: “Mấy mí tằm liên tục trước đó đều không khả quan nên gia đình cũng nản lắm, nhờ sự động viên và hỗ trợ thêm của ngành nông nghiệp và doanh nghiệp nên gia đình cũng quyết tâm làm tiếp đợt rồi”.  

Từ đầu năm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với UBND xã Điện Quang và HTX Nông nghiệp Điện Quang triển khai mô hình “Khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm” với 10 hộ tham gia trên diện tích 5ha thuộc 3 thôn tại địa phương. Theo đó, các hộ dân tham gia chương trình được hỗ trợ 50% kinh phí trang bị các vật tư thiết yếu nuôi tằm gồm: nong, khung né, đũi, lưới thay phân, bàn gỡ kén tằm… Theo ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, giống dâu thực hiện mô hình là giống tam bội S7-CB được chọn tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng. “Giống này có cây mọc dạng bụi, phân cành khá, trồng bằng hom, lá to dày, phù hợp nuôi tằm lớn, năng suất có thể đạt 25 đến 30 tấn/ha trong điều kiện thâm canh. Qua quá trình trồng thích nghi và phát triển tốt tại địa phương” - ông Nghi nói.

Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang thông tin: “Đơn vị đã ký kết hợp đồng với Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam bao tiêu đầu ra sản phẩm đến năm 2025 nên các hộ dân tham gia mô hình có thể yên tâm sản xuất”. Ông Lê Thái Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam cho biết, hiện nay công ty thu mua toàn bộ kén từ các hộ dân tại địa phương với giá 150 nghìn đồng/kg. Mức giá này nhỉnh hơn so với thực tế thị trường nhưng đơn vị muốn động viên để người dân có thêm động lực gắn bó với nghề.  

Khôi phục “chậm mà chắc”

Tuy đã đạt được một số tín hiệu tích cực nhưng các hộ dân tham gia mô hình vẫn chia sẻ nhiều trăn trở khi khôi phục nghề trồng dâu, nuôi tằm. Tuy đã trồng tới 11 sào dâu nhưng gia đình bà Nga cũng như một số hộ khác vẫn bị thiếu hụt lượng lá dâu phục vụ cho tằm, phải cất công thu mua nhỏ lẻ từ các nơi để đảm bảo sản xuất một phần bởi thời tiết khắc nghiệt và chưa cơ giới hóa được trong quá trình chăm sóc cây dâu. Còn ông Nguyễn Tuấn (một nông dân tham gia mô hình) nói, người dân rất cần được cung cấp trứng, giống tằm chuẩn bởi ngày xưa khoảng 5 ngày là đã biết trứng được hay không, còn bây giờ thì đến 7 ngày rồi vẫn chưa biết chính xác nên rất thấp thỏm.  

Theo ông Phan Tín - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang, khó khăn của bà con là rất bị động về giống, có khi phải chờ giống tới 15 ngày khiến lá dâu già không đảm bảo lượng dinh dưỡng. Bên cạnh đó, một thời gian dài tại địa phương không có lụt nên nếu tiếp diễn ra thực trạng này thì việc canh tác cây dâu trong các vụ sau sẽ rất khó khăn do đất cằn cỗi. Ông Tín đề xuất thêm, nên chăng có những hỗ trợ về tiền điện cho người trồng dâu giống như các chính sách tiền điện đang hỗ trợ nông dân canh tác cây lúa hiện nay để khuyến khích người dân mở rộng diện tích.      

Ông Võ Văn Nghi thông tin, hiện nay nguyên liệu tơ tằm ở nước ta chỉ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu sản xuất nên đây là cơ hội tốt để hồi sinh nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Điện Quang cũng như một số nơi khác trên toàn tỉnh. Đơn vị sẽ hỗ trợ nông dân phát triển một cách bài bản, căn cơ nhưng tùy theo vùng chứ không phát triển tràn lan. “Chúng ta sẽ phát triển nghề theo mô hình “vết dầu loang”, tức là hình thành từng nhóm nông dân, trong đó chọn những hộ có kinh nghiệm chỉ đảm nhận việc làm tằm con trong khi những vệ tinh xung quanh sẽ nuôi tằm lớn, dần dần phát triển thành các nhóm sản xuất bền vững” - ông Nghi chia sẻ.

QUỐC TUẤN