Triển vọng giống dâu tằm chọn và lai tạo tại Lâm Đồng
(QNO) - Ngày 29.10, tại xã Điện Quang (thị xã Điện Bàn) diễn ra hội thảo đầu bờ tổng kết mô hình khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang tổ chức.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng, Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam cùng bà con nông dân tham gia mô hình.
Tại hội thảo, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thông tin kết quả đạt được về tình hình sinh trưởng, phát triển và hiệu quả mô hình khi áp dụng tại xã Điện Quang. Theo đó, giống dâu tam bội S7-CB và giống tằm LĐ-09 được chọn tạo, lai tạo tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng cho năng suất tốt, thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.
Cụ thể, lá dâu to dày phù hợp nuôi tằm lớn, năng suất có thể đạt hơn 25 đến 30 tấn/ha trong điều kiện thâm canh. Tằm có sức sống cao, năng suất kén dự kiến đạt trung bình 40kg/hộp trứng 22gr, chất lượng tơ, kén tố, tỷ lệ trứng nở đạt hơn 90%.
Theo tính toán, nếu muốn nuôi tằm con tập trung đạt hiệu quả cao, có lãi, mỗi hộ phải nuôi ít nhất 100 hộp trứng/lứa (lãi khoảng 46 nghìn đồng/hộp trứng). Còn nếu mỗi hộ nuôi 1 hộp trứng (tằm lớn) trong vòng 1 tháng thì thu lãi khoảng hơn 2,8 triệu đồng. Nếu được đầu tư đúng mức, trang thiết bị hỗ trợ đúng kỹ thuật thì năng suất tằm có thể đạt 45 đến 50kg kén/hộp trứng.
Dịp này, các hộ dân tham gia mô hình cũng trao đổi với cơ quan chức năng về những rào cản, vướng mắc trong quá trình sản xuất để rút kinh nghiệm triển khai cho các vụ sắp tới.
Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 huyện, thị xã có diện tích trồng dâu gồm Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn và Điện Bàn. Dâu là cây lâu năm, trồng một lần thu hoạch từ 10 đến 15 năm mới cải tạo. Từ năm thứ 3 trở đi, nếu năng suất ổn định có thể thu được 30 tấn/ha.
Chia sẻ tại hội thảo, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng cho biết, hơn 90% vùng nguyên liệu dâu ở khu vực Tây Nguyên đang sử dụng giống dâu S7-CB.