Hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế vườn

NHÃ PHƯƠNG 29/10/2019 11:31

Những năm gần đây, chính quyền xã Ba (Đông Giang) tập trung hỗ trợ người dân khai hoang, cải tạo đất và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất để đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế vườn nhằm nâng cao nguồn thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống.

Cách đây vài ngày, theo chân đoàn giám sát của HĐND tỉnh, chúng tôi ghé thăm mô hình trồng cam chuyên canh theo phương thức sản xuất hàng hóa của gia đình ông Phan Xuân Thắng ở thôn Ban Mai (xã Ba, Đông Giang). Ông Thắng cho biết, sau khi tiến hành cải tạo 1ha đất gò đồi, ông ra tỉnh Nghệ An tìm mua giống cam Vinh về trồng trên số diện tích vừa nêu. Nhờ nước tưới chủ động, nguồn cây giống có chất lượng tốt, đặc biệt là áp dụng bài bản kỹ thuật chăm sóc - phòng trừ dịch hại tổng hợp nên vườn cam của ông Thắng sinh trưởng và phát triển tốt. Năm 2018, vườn cam ra hoa kết trái và cho thu hoạch lứa đầu tiên, giúp gia đình ông Thắng có nguồn thu nhập khá. Và vụ cam năm nay, ông lại bội thu nhờ năng suất cao, giá bán sản phẩm hấp dẫn. “Theo ước tính, vụ cam năm 2019 này tôi thu được 5 tấn quả, bán sỉ tại vườn cho tư thương với mức giá bình quân 30 - 35 nghìn đồng/kg thì tổng giá trị đạt 150 - 175 triệu đồng. Hy vọng trong những năm tới, vườn cam sẽ tiếp tục mang lại cho gia đình tôi khoản tiền lớn” - ông Thắng chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Nghiêm - Chủ tịch UBND xã Ba cho hay, nhằm giúp người dân nâng cao nguồn thu nhập cũng như góp phần nâng chuẩn các tiêu chí về hộ nghèo, thu nhập... của bộ 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây ngành nông nghiệp huyện Đông Giang cùng chính quyền địa phương tập trung hỗ trợ nhân dân khai hoang, cải tạo đất và một số khâu quan trọng khác để hình thành các mô hình kinh tế vườn. Chỉ tính riêng trong năm 2019 này, các đơn vị liên quan đã tiến hành hỗ trợ 30 hộ dân trên địa bàn xã Ba cải tạo vườn tạp với mức 2 triệu đồng/hộ và xây dựng vườn mẫu với mức 5 triệu đồng/hộ. Đồng thời UBND xã cũng thường xuyên phối hợp với ngành chuyên môn cấp trên tổ chức các khóa tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và phòng trừ sâu bệnh gây hại cho nông dân...

Ông Nguyễn Xuân Nghiêm cho biết, ngoài mô hình trồng cam Vinh chuyên canh của gia đình ông Phan Xuân Thắng thì hiện nay tại các thôn Ban Mai, Đông Sơn, Quyết Thắng của xã Ba còn có ít nhất 12 mô hình trồng chuối lùn, chuối mốc, thanh long ruột đỏ theo phương thức sản xuất hàng hóa tập trung với tổng diện tích không dưới 17ha. “Qua khảo sát cho thấy, bình quân hằng năm 1 mô hình trồng cây ăn quả mang lại cho người dân địa phương mức thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng. Nhờ vậy, cuộc sống của nhiều gia đình cải thiện đáng kể” - ông Nghiêm nói.

NHÃ PHƯƠNG