Người nuôi gà thương phẩm cần trợ sức
Người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang gặp khó do giá gà thương phẩm bán ra khó cạnh tranh với gà giá rẻ trên thị trường. Ghi nhận tại xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ.
Co.opmart Tam Kỳ đang bán nhiều chủng loại thịt gà với sự chênh lệch đáng kể về giá. Trong khi gà thịt nguyên con của thương hiệu Mười Tín (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) có giá bán 91.300 đồng/kg thì đùi gà tỏi nhập khẩu từ Mỹ chỉ được bán với giá 63 nghìn đồng/kg. Theo quan sát của chúng tôi, người tiêu dùng đã ưu tiên chọn mua đùi gà tỏi nhập khẩu vì có giá bán rẻ. “Cùng là 1kg nhưng gà tỏi từ Mỹ chỉ có thịt đùi nhiều nạc lại trông rất bắt mắt, yên tâm chất lượng. Thịt gà Mười Tín đã khẳng định chất lượng nhưng khó cạnh tranh vì giá bán cao mà lượng nạc không thể so bằng đùi gà tỏi” - chị Lương Hải Đường (phường Tân Thạnh) cho biết.
Ông Nguyễn Minh Đồng - chủ hộ nuôi gà thịt ở thôn Mỹ Cang (xã Tam Thăng) đang là Giám đốc phụ trách Hợp tác xã nuôi gà Mười Tín cho biết, gà được bán cho thương lái với giá 49 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, mỗi ký thịt gà có giá thành sản xuất hơn 45 nghìn đồng, chỉ lấy công làm lời. Nếu không may, tỷ lệ hao hụt xảy ra trong quá trình nuôi gà là lỗ vốn. “Gà thương phẩm của gia đình đã nuôi được 3 tháng tuổi, tôi muốn bán cho tư thương để lấy vốn đầu tư tái đàn phục vụ cho vụ tết là vụ chính nhưng tư thương ép giá quá nên vẫn phải chờ. Rất lo ngại, nếu không may lũ lụt xảy ra như năm vừa rồi gây thiệt hại gần 500 triệu đồng thì nợ nần chồng chất” - ông Đồng nói. Theo ông Đồng, trong điều kiện nuôi gà ngày càng khó khăn, Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ khi nông hộ nuôi gà bị thiệt hại trong điều kiện bất khả kháng do thiên tai, lũ lụt.
Ở xã Tam Thăng, bước đầu đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ thịt gà với rất nhiều kỳ vọng. Ông Bùi Việt Tín (thôn Mỹ Cang) đã thành lập trang trại nuôi gà theo mô hình VietGAP có diện tích hơn 5ha, đầu tư cơ sở giết mổ tại trang trại, thành lập hệ thống cửa hàng bán lẻ, bố trí ở các chợ lẫn siêu thị. Sản xuất thu được thành công bước đầu nhưng ông Tín không khỏi lo lắng khi sản phẩm ngày càng khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. “Từ đầu năm đến nay, thịt gà đông lạnh nhập khẩu ào ạt về các chợ đầu mối tại TP.Tam Kỳ. Người nuôi gà với tiềm lực tài chính còn hạn chế như tôi rất khó cạnh tranh với thịt gà giá rẻ. Đáng lo ngại khi có hàng loạt bếp ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể là khách hàng tiêu thụ thịt gà với số lượng lớn của chúng tôi đã chuyển hướng ưu tiên chọn sản phẩm gà giá rẻ chứ không còn xem chất lượng thịt gà lên hàng đầu như lâu nay” - ông Tín nói.
Ông Châu Thanh Phong - Chủ tịch UBND xã Tam Thăng cho biết, người nuôi gà đang tự bơi trong thị trường thịt gà nhập khẩu giá rẻ. Trong khi đó, dù đã có chính sách hỗ trợ là Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức hỗ trợ là 35 nghìn đồng/con gà khi dịch bệnh xảy ra nhưng trong đợt lũ lụt năm 2018, không có hộ nuôi gà nào trên địa bàn tiếp cận được mức hỗ trợ này. Theo ông Phong, khi TP.Tam Kỳ đã có chủ trương phát triển mạnh nuôi gà liên kết theo chuỗi, nuôi gà VietGAP thì để trợ lực giúp các hộ nuôi gà vượt qua khó khăn, nên áp dụng các cơ chế, chính sách thiết thực hiện hành của Chính phủ. Các lực lượng quản lý thị trường cần rốt ráo vào cuộc, dẹp bỏ các trường hợp bán gà thịt không đảm bảo quy định như không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.