Dịch tả lợn châu Phi: Đe dọa các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn
Từ giữa tháng 5 dương lịch đến nay, dịch tả lợn châu Phi chủ yếu gây hại tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, thời điểm này mầm bệnh có nguy cơ cao xâm nhiễm vào những cơ sở chăn nuôi heo với số lượng lớn.
Ông Ngô Phi Thâm – Chủ tịch UBND xã Duy Sơn (Duy Xuyên) cho biết, dịch tả lợn châu Phi vừa xuất hiện tại một trang trại chăn nuôi heo thịt với quy mô lớn ở địa phương. Theo ông Thâm, cách đây vài ngày, trang trại heo thịt với số lượng 540 con của ông Nguyễn Phước Một ở thôn Chánh Lộc (nuôi gia công cho Công ty Thái Việt) bị nhiễm bệnh và chết rải rác một số con. Kết quả xét nghiệm cho thấy, đàn heo thịt của trang trại này dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi. “Chủ trang trại và các đơn vị liên quan đã khẩn trương tiêu hủy bắt buộc toàn bộ 498 con heo bị nhiễm bệnh còn lại; đồng thời triển khai vệ sinh môi trường, phun hóa chất tiêu độc khử trùng trên phạm vi rộng nhằm ngăn chặn sự phát tán của mầm bệnh” – ông Thâm nói.
Theo ông Huỳnh Văn Ánh – chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên, hơn 4 tháng rưỡi qua, mầm bệnh chủ yếu gây hại ở những hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ và hiện nay đang có nguy cơ cao xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi heo với số lượng lớn. “Trên địa bàn các xã Duy Trung, Duy Sơn, Duy Châu, Duy Hòa hiện có 9 trang trại nuôi heo thịt với quy mô 600 - 1.000 con/mô hình. Bên cạnh đó, ở một số xã khác như Duy Phước, Duy Vinh, Duy Thành... cũng có không dưới 100 gia trại nuôi heo nái sinh sản và heo thịt với số lượng mỗi gia trại từ 50 con trở lên. Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, nếu trong thời gian tới các chủ trang trại và gia trại không thực hiện tốt công tác phòng dịch thì nguy cơ mầm bệnh xâm nhiễm là rất cao” – ông Ánh nói.
37 xã, phường, thị trấn tái bùng phát dịch Theo ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam, hơn 4 tháng nay toàn tỉnh có đến 37 xã, phường, thị trấn của 13 huyện, thị xã, thành phố tái bùng phát dịch, gồm: Duy Trung, Duy Thành, Duy Sơn (Duy Xuyên); Bình Dương (Thăng Bình); Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Thắng Trung, Điện Phương, Điện Phước (Điện Bàn); Tam Thanh, Hòa Hương, Tam Ngọc (Tam Kỳ); Trà Vinh, Trà Don, Trà Vân, Trà Dơn (Nam Trà My); Tam Phước, Tam Thái (Phú Ninh); Tam Xuân 2, Tam Mỹ Đông, Tam Thạnh, Tam Nghĩa, thị trấn Núi Thành (Núi Thành); Phú Thọ (Quế Sơn); Tiên Mỹ, Tiên Sơn, Tiên Kỳ, Tiên Hà (Tiên Phước); thị trấn Trà My, Trà Tân, Trà Kót, Trà Giang, Trà Sơn, Trà Nú (Bắc Trà My); Tà Bhing (Nam Giang); Sơn Phong (Hội An); Quế Bình (Hiệp Đức).
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào trưa hôm qua 1.10, ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho hay, trong 2 ngày gần đây bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục gây hại tại 171 hộ chăn nuôi trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố gồm: Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Nam Trà My, Núi Thành, Quế Sơn, Nông Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nam Giang, Đại Lộc khiến 548 con heo bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy khẩn cấp. Như vậy, đến nay toàn tỉnh đã có 124.591 con heo của 29.328 hộ dân bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 7.225 tấn heo hơi.
Ông Nguyễn Thành Nam cho biết thêm, qua thống kê sơ bộ, hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 78 trang trại chăn nuôi heo (chủ yếu là heo thịt) với số lượng 500 – 1.500 con/mô hình và hàng trăm gia trại thả nuôi với số lượng từ 50 con trở lên. Để hạn chế bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm, các chủ trang trại và gia trại cần tiếp tục thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học mà ngành chuyên môn đã hướng dẫn trong thời gian qua; đồng thời thường xuyên rắc vôi bột, phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại các dãy chuồng nuôi và những khu vực xung quanh. Đặc biệt, phải áp dụng triệt để biện pháp “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nhằm hạn chế nguy cơ vi rút gây bệnh phát tán. “Chúng tôi cũng khuyến cáo các chủ trang trại và gia trại cần giăng lưới quanh khu vực chuồng trại chăn nuôi heo để ngăn cản chó, mèo, chuột... mang mầm bệnh vào bên trong” – ông Nam nói.