Phòng chống dịch tả lợn châu Phi ở Đại Lộc: Dịch bệnh diễn biến phức tạp
Trao đổi với PV Báo Quảng Nam, ông Trương Nhành - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa (Đại Lộc) cho biết, dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát, lây lan với tốc độ nhanh trên địa bàn xã.
Trong 2 ngày 18 và 19.9, lực lượng chức năng cùng với cán bộ địa phương tiếp tục xử lý, tiêu hủy nhiều con heo bị dịch bệnh trên địa bàn thôn Đại Phú và thôn Hòa Bắc. Đến nay toàn xã có 4/8 thôn bị dịch tả lợn châu Phi, buộc phải tiêu hủy hàng chục đàn heo ở nhiều gia đình. Cũng theo ông Nhành, cùng với việc vận động hộ chăn nuôi phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, lấy mẫu, tiêu hủy số heo nhiễm dịch, địa phương tiếp tục khoanh vùng, áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt người và phương tiện ở vùng dịch và vùng an toàn, cách ly đàn vật nuôi khỏe mạnh với đàn heo bị nhiễm dịch. Công tác tiêu độc khử trùng, rắc vôi khu vực có dịch được đẩy mạnh. “Xã cũng khoanh vùng, bảo vệ nghiêm ngặt đàn heo các vùng còn lại, nhất là đối với 6 trang trại, gia trại chăn nuôi tại Hố Liễn. Tích cực hướng dẫn các chủ gia trại, trang trại cách phòng dịch, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi. Địa phương cũng nghiêm cấm người và phương tiện ra vào khu vực trang trại, gia trại chăn nuôi thời điểm này, kể cả cán bộ thú y. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, công bố vùng có dịch để người chăn nuôi chủ động bảo vệ đàn vật nuôi” - ông Nhành nói.
Ông Lê Văn Thanh - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đại Lộc cho biết, toàn huyện đã có gần 80 tấn heo nái, heo thịt bị dịch tả lợn đã tiêu hủy. Đại Nghĩa là xã mới xuất hiện dịch và đang bùng phát nhanh. Trung tâm tích cực phối hợp với địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong dân, hơn hết người chăn nuôi phải tự bảo vệ đàn heo, đầu tư chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học để giảm thiểu dịch bệnh. “Chúng tôi đã cấp 2 tấn hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi xuống các địa phương, riêng vôi bột thì các địa phương tự lo để cung ứng cho dân” - ông Thanh nói.
Ông Thanh cho biết thêm, Đại Lộc hiện có 3 điểm giết mổ gia súc tập trung nhưng hoạt động của các điểm này kém hiệu quả, địa phương đang thu hút doanh nghiệp vào đầu tư khu giết mổ tập trung nhưng gặp nhiều khó khăn. Công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi gặp khó. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa chú trọng đến khâu vắc xin trên đàn vật nuôi, kiểm soát và vệ sinh, xử lý môi trường chăn nuôi; tình trạng giết mổ heo chưa qua kiểm dịch vẫn còn tiếp diễn, chưa có giải pháp xử lý triệt để.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, Đại Lộc chỉ còn 4/18 xã/thị trấn chưa xảy ra dịch tả lợn gồm Đại Hòa, Đại An, Đại Thạnh, Đại Hưng. Trước tốc độ dịch tả lợn bùng phát và lây lan trên diện rộng, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương nỗ lực tuyên truyền trong nhân dân về cách thức bảo vệ đàn vật nuôi. Toàn huyện triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp theo chủ trương, chỉ đạo chung của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT. Đối với địa phương có dịch, yêu cầu tiêu hủy trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả dương tính với virus gây bệnh và thực hiện xử lý các đàn heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Các địa phương có dịch phải triển khai tổng vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng, thực hiện công bố dịch bệnh theo quy định.