Khó tiêu diệt cây mai dương
Hiện nay tại các tuyến kênh mương, hay dọc theo hai bên tuyến quốc lộ 1 qua huyện Thăng Bình, cây mai dương sinh sôi nảy nở tràn lan với mật độ dày đặc, gây khó khăn cho việc đi lại, sản xuất của nông dân. Đối với những tuyến kênh mương chính, bà con nông dân đã tự chặt bỏ, thậm chí chất thành những đống lớn để đốt, tuy nhiên chưa thể tiêu diệt được loại cây này.
Khoảng 2 năm nay, dọc tuyến kênh Giải Thủy (tổ 5, thôn Ngọc Sơn Tây, xã Bình Phục, Thăng Bình), cây mai dương phát triển nhanh lấn át các cây trồng bản địa mặc dù đã được các hộ dân chặt bỏ 2 lần mỗi vụ. Ông Hồ Văn Châu (tổ 5, thôn Ngọc Sơn Tây) cho biết, trước khi xuống giống gieo sạ, bà con đã huy động cùng nhau ra quân chặt gốc cây mai dương để thuận tiện cho việc sản xuất. Tuy nhiên đến cuối vụ, cây mai dương vẫn mọc lên gây khó khăn cho việc thu hoạch. Do đó, ở từng đám ruộng nào thì hộ ấy phải tự chặt bỏ. Nếu không chặt phá, gai của cây mai dương vướng vào gây rách da, rách áo quần.
Trước thực trạng cây mai dương mọc hàng loạt tại các tuyến kênh mương trên địa bàn thôn Ngọc Sơn Tây, Chi hội Nông dân thôn đã huy động cán bộ hội viên nông dân ra quân chặt phá loại cây này. Tuy nhiên, do quá nhiều nên không thể tiêu diệt hết. Ông Mai Văn Thể - Chi hội trưởng Nông dân thôn Ngọc Sơn Tây cho biết, xong vụ mùa này, chi hội tiếp tục vận động hội viên ra quân đào tận gốc, xem ra mới tiêu diệt được loại cây này.
Theo ông Hồ Ngọc Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình, cây mai dương phát tán rất nhanh theo gió hoặc theo dòng nước, có thể giữ sức nảy mầm nhiều năm. Cây mai dương khi sinh sản mạnh tạo thành một thảm cây bụi cao, làm cho các loại cây khác không phát triển được. Hiện ở Thăng Bình, loại cây này mọc khắp nơi. Ông Hồ Ngọc Quảng nói: “Năm nào vào đầu vụ, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình cũng ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương diệt trừ cây mai dương, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị xã hội tại địa phương có diện tích cây mai dương xâm thực mạnh. Tuy nhiên vẫn chưa tiêu diệt được tận gốc. Hơn nữa, hiện nay quá trình đô thị hóa, nhiều hộ còn đem loại cây này trồng lên để giữ đất, vô tình gây phát tán nhiều ra môi trường. “Cây mai dương nếu không tiêu diệt kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân, hủy hoại tài nguyên đất. Thời gian đến, các địa phương cần phải phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng đoàn viên thanh niên, nông dân lẫn phụ nữ để cùng nhau chung tay tiêu diệt tận gốc loại cây này. Nhất là ở đầu vụ sản xuất. Đối với loại cây này nên đào tận gốc, sau đó đốt bỏ thì mới có thể tiêu diệt được” - ông Quảng cho biết thêm.