Thăng Bình thu hút đầu tư vào nông nghiệp

TRUNG LỘ 03/09/2019 10:59

Trong bối cảnh nguồn lực tại địa phương còn hạn chế, huyện Thăng Bình đã đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất chế biến nông sản với hộ nông dân gắn liền với bao tiêu sản phẩm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nghề mây tre đan phát triển mạnh ở huyện Thăng Bình. Ảnh: T.L
Nghề mây tre đan phát triển mạnh ở huyện Thăng Bình. Ảnh: T.L

Hướng đi mới

Những năm gần đây, huyện Thăng Bình chú trọng thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với nông dân chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, bao tiêu nông sản ở địa phương, bước đầu nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước thay đổi tư duy sản xuất của nông dân trên địa bàn. Mô hình xây dựng chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn của Công ty TNHH Sản xuất chế biến thực phẩm Quảng Nam (gọi tắt là Công ty Chế biến Quảng Nam) được xem là một trong những mô hình liên kết sản xuất thành công giữa DN và các hộ dân chăn nuôi ở địa phương trong thời gian qua. Nắm bắt nhu cầu thiết thực về thực phẩm sạch, an toàn của đông đảo người tiêu dùng, Công ty Chế biến Quảng Nam ngay từ khi đi vào hoạt động luôn xác định mục tiêu xây dựng thương hiệu gắn với phát triển chuỗi giá trị thực phẩm sạch từ khâu sản xuất đến cung ứng thị trường. Với dây chuyền công nghệ giết mổ công nghiệp tập trung được đầu tư đồng bộ, khép kín, công ty xây dựng xí nghiệp giết mổ với công suất hơn 2.000 con heo sữa, trâu, bò thịt/ngày và nhà máy thực phẩm chế biến 1.000 tấn thịt /năm. Hiện nay, công ty đã liên kết các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện tham gia cung cấp thường xuyên heo, bò thịt cho các đơn vị. Để trở thành cơ sở liên kết cung ứng heo cho công ty, các hộ chăn nuôi phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu do công ty đặt ra về thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, cơ sở chuồng trại… theo tiêu chuẩn của ngành thú y đặt ra. Nhờ đó, sản phẩm của công ty luôn đáp ứng chất lượng và tạo niềm tin đến người tiêu dùng.

Để có cơ ngơi sản xuất bánh đa nem nổi tiếng như ngày hôm nay, chị Đặng Thị Hương (thôn Vinh Đông, xã Bình Trị) không quên những tháng ngày gian khó, tất tả đi học nghề. Cách đây hơn 10 năm, chị Hương cùng 14 hộ nông dân, tuổi đã ngoài 40 cùng khăn gói lên đường đi học các nghề chế biến nông sản do Phòng Kinh tế - hạ tầng Thăng Bình tổ chức tại tỉnh Hà Tây (cũ). Ngày rời làng đến địa phương khác, chị đã tận mắt chứng kiến nhiều cách làm giàu từ các nghề truyền thống, gắn liền với nguyên liệu không xa lạ, như chế biến bún phở khô, tươi, bánh tráng đa nem... Theo chị Hương, nghề làm bánh tráng đa nem phù hợp ở địa phương bởi nguyên liệu gạo, chất đốt, nhân lực... và sản phẩm chưa thấy bán ở thị trường trong tỉnh. Sau gần một tháng học nghề, chị Hương đã thành thạo cách chế biến bánh tráng đa nem, sản phẩm được xem là đặc sản của địa phương. Về quê, chị bàn với chồng gom góp hết số tiền dành dụm bấy lâu, cộng thêm vay mượn gần 100 triệu đồng để mua sắm dây chuyền đồng bộ sản xuất bánh đa nem. Ngày đầu sản xuất chị gặp không ít khó khăn. “Có những lần bánh tráng ra bị vữa, không thể thành bánh, buộc phải bỏ đi mất hàng chục ký gạo. Nhưng làm nhiều lần thì tôi rút kinh nghiệm, cuối cùng cũng thành công. Những tháng đầu chỉ sản xuất 20 - 30kg gạo, đến nay cơ sở đã sản xuất đến 200 - 250kg, sản phẩm được tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài tỉnh, giải quyết việc làm cho 20 lao động ở địa phương” - chị Hương tâm sự.

Việc thu hút DN về nông thôn của Thăng Bình, bước đầu đã giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở địa phương. Tiêu biểu như Công ty Chế biến nông sản Thiên Việt Quảng Nam, Công ty TNHH Trang trí nội thất mỹ nghệ Đỗ Hoàng, Xí nghiệp Mây tre Đông Huy, Công ty TNHH Bình An Phú sản xuất dăm gỗ… Tuy nhiên, thực tế nhìn nhận, ngoài một số DN có quy mô lớn tại các cụm công nghiệp, còn lại phần lớn các cơ sở chế biến nông, lâm sản ở địa phương đều có quy mô nhỏ, thiết bị sản xuất và công nghệ hạn chế, khó khăn trong mở rộng sản xuất.

Mở rộng thu hút đầu tư

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư tại địa phương còn hạn chế, thời gian qua, huyện Thăng Bình đã có nhiều giải pháp thu hút DN đầu tư vào sản xuất, chế biến nông - lâm sản, góp phần tạo việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Bằng nhiều việc làm thiết thực, Thăng Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo điều kiện về quỹ đất, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho các DN mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành nghề có lợi thế về nguồn nguyên liệu tại địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, việc thu hút DN trong và ngoài nước về đầu tư tại địa phương đã tạo chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế, hỗ trợ cho ngành nông nghiệp phát triển. Đặc biệt, giải quyết nhiều việc làm lao động và cơ hội cho DN trẻ khởi nghiệp, liên doanh, liên kết mở rộng sản xuất tại địa phương.

Là một trong những địa phương nằm trong trong chiến lược phát triển kinh tế vùng đông của tỉnh, huyện Thăng Binh đang tập trung rà soát quy hoạch, ưu tiên phát triển công nghiệp trên cơ sở liên kết vùng. Theo đó, trong những năm đến, Thăng Bình sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức kết nối, hình thành trục các khu, cụm công nghiệp (Khu công nghiệp Đông Quế Sơn - Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được - Khu công nghiệp Tam Thăng) để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến và quy hoạch, hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao. Vừa qua, UBND tỉnh có chủ trương cho phép Công ty CP Tập đoàn T&T triển khai dự án khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Bình Dương với diện tích 278ha, tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Quy mô dự án bao gồm: khu dịch vụ hỗ trợ, khu sửa chữa máy móc, khu sơ chế và khu hỗ trợ sản xuất... Đây được xem là dự án động lực, là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mang tầm quy mô, không chỉ giới hạn ở huyện Thăng Bình mà của cả khu vực miền Trung.

TRUNG LỘ