Tiếc vườn cây ăn quả ở Tam Mỹ Tây
Ách tắc ở khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm khiến những vườn cây ăn quả tại Tam Mỹ Tây (Núi Thành) bị thay thế bằng keo lá tràm là điều đáng tiếc.
Về Núi Thành, gặp anh Phạm Văn Quyện - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành và anh Trần Văn Hưng - nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, tôi hỏi chuyện về những vườn cây ăn quả trải dài ven đèo Mộc ở xã Tam Mỹ Tây. Bởi cách đây khoảng mười năm, tôi đến tham quan vườn cây các anh Phan Thiết, Trần Kim Chung… Xoài cát, xoài tím trồng với quy mô trang trại, trái to bằng bắp chân, lúc lỉu đầy cành nhánh. Những vườn thanh long ruột đỏ quả bóng mọng tươi ngon. Ở đó còn có hố Giang Thơm, địa danh được nhiều người biết đến bởi có cảnh vật nên thơ hữu tình. Anh Phạm Văn Quyện cười: “Chú mày nhắc làm chi một thời đã qua…”. Còn anh Trần Văn Hưng chua chát bảo: “Quê mình trước đây cây gì cũng có nhưng rốt cuộc lại chẳng có cây gì!”.
Bán tín bán nghi, tôi gặng hỏi. Anh Quyện và anh Hưng cho tôi hay, vùng đồi núi xã Tam Mỹ Tây rất thích để trồng các loại cây ăn quả. Thanh long, xoài cát, nhãn lồng, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi… trồng trên đất gò đồi ấy phát triển xanh tốt, đơm hoa kết trái ngoài mong đợi, chất lượng các loại trái cây cũng ngon tuyệt. Tuy nhiên, sau một thời gian trồng và chăm sóc bài bản, các nhà vườn lần lượt chặt phá chuyển sang trồng keo lá tràm. Nguyên do là các mặt hàng nông sản làm ra không tiêu thụ được, dẫn đến tình trạng “khủng hoảng thừa” nên các nhà vườn chán nản, không mặn mà với việc làm vườn trồng cây. Rất đỗi ngạc nhiên, tôi nói: “Núi Thành có Khu Kinh tế mở Chu Lai và nhiều khu công nghiệp khác, công nhân dễ đến nửa vạn người. Các mặt hàng trái cây có chất lượng cao, tại sao lại “khủng hoảng thừa” cho được?”. “Tất cả là do khâu phân phối. Ở quê mình không có mấy người chuyên buôn bán trái cây làm cầu nối” - anh Quyện cho biết. “Trái cây đến mùa thu hoạch bán không được, đem biếu bà con họ hàng, bạn bè quen thân hoài mệt quá, thành ra các nhà vườn đành buông bỏ…” - anh Hưng cho biết thêm.
Yếu khâu quảng bá
Qua tìm hiểu, tôi được biết ở xã Tam Mỹ Tây hầu như chẳng có mấy người chuyên mua bán trái cây từ các nhà vườn cung cấp cho các đầu mối ở trung tâm huyện Núi Thành và các nơi khác như Tam Kỳ, Đà Nẵng… Tại khu vực bên ngoài các khu công nghiệp cũng khó kiếm được một sạp trái cây nào. Thêm vào đó, sản phẩm làm ra bà con nông dân cũng không “quảng cáo trên facebook, zalo… nên chẳng có mấy ai biết đến. Về khâu tiếp thị, phải nói rằng bà con nông dân ở Tam Mỹ Tây không nhanh nhạy bằng các nhà vườn ở Tiên Phước. Trước khi bước vào mùa thu hoạch trái cây, các nhà vườn ở Tiên Phước, cụ thể là các xã Tiên Mỹ, Tiên Châu, Tiên Cảnh và thị trấn Tiên Kỳ dọn cỏ vườn sạch sẽ và tiến hành quảng cáo trên mạng xã hội. Người tiêu dùng ở Tam Kỳ, Đà Nẵng, Hội An… tìm hiểu và đánh xe về tận nơi, vừa chọn mua các loại trái cây ưng ý, vừa dạo thăm vườn, chụp ảnh “nuôi phây”. Họ đã biến vườn nhà mình thành những địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Đồng thời, qua mạng xã hội, nhiều đầu mối buôn bán trái cây ở Đà Nẵng, Hội An liên lạc với họ đặt hàng mua với số lượng lớn, chuyển giao bằng xe khách.
Phương cách bán các mặt hàng nông sản làm ra của bà con nông dân ở Tiên Phước khá đa dạng, nhờ vậy, có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Cũng cần nói thêm, chính quyền địa phương ở huyện Tiên Phước có cơ chế hỗ trợ bà con nông dân phát triển kinh tế vườn, trồng các loại cây ăn quả cao cấp, tổ chức cho các đoàn khách đến tham quan các nhà vườn để quảng bá sản phẩm. Xã Tam Mỹ Tây nằm sát nách trung tâm huyện Núi Thành, nơi có nhiều khu công nghiệp với gần nửa vạn công nhân nhưng sản phẩm làm ra của bà con nông dân lại không đến được tay người tiêu dùng là điều đáng tiếc. Hy vọng rằng tình trạng “cây gì cũng có nhưng rốt cuộc lại chẳng có cây gì” sẽ sớm được khắc phục ở vùng đất có thắng cảnh hố Giang Thơm và nhiều dấu tích của một thời từng là nơi đồng khởi đầu tiên ở miền Nam Trung Bộ, căn cứ địa của Tỉnh ủy Quảng Nam trong kháng chiến chống Mỹ.