Người nuôi heo cần khoanh nợ, giãn nợ
Dịch tả lợn châu Phi lan rộng trên địa bàn tỉnh khiến nhiều người nuôi heo thâm nợ nên rất cần phía ngân hàng “mở lối” bằng cách gia hạn nợ, khoanh nợ và vay mới để chuyển hướng sản xuất.
Là hộ nghèo nên gia đình ông Bùi Văn Á (thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải, Duy Xuyên) được vay 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh huyện Duy Xuyên để đầu tư nuôi 2 con heo nái và 2 con heo lấy thịt. Dịch tả lợn châu Phi đã khiến cả 4 con heo của gia đình ông bị tiêu hủy. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ gần 10 triệu đồng, gia đình ông Á đã chuyển hướng đầu tư nuôi 100 con gà lấy thịt. Bà Trần Thị Trở (vợ ông Á) luôn nơm nớp lo trong những ngày qua, sợ đàn gà không may nhiễm bệnh chết thì không biết lấy gì để trả nợ ngân hàng. “Chồng tôi không may bị tai biến mạch máu não khi đang là lao động trên tàu đánh bắt hải sản của ngư dân địa phương. Đã vậy, đàn heo lại chết nên sinh kế đều đặt hết vào đàn gà. Chỉ mong chúng chóng lớn để bán, có nguồn thu nhập trả nợ ngân hàng” - bà Trở nói. Mong muốn của bà Trở là được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH chi nhánh huyện Duy Xuyên khoanh nợ, gia hạn nợ.
Gia đình bà Trương Thị Thúy (thôn An Lạc, xã Duy Thành, Duy Xuyên) vay 50 triệu đồng của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH chi nhánh huyện Duy Xuyên để đầu tư nuôi heo. Dịch tả lợn châu Phi càn quét qua địa bàn khiến heo nuôi của gia đình bà Thúy bị chết. Bà mong muốn được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH chi nhánh huyện Duy Xuyên khoanh nợ, gia hạn nợ và cho vay mới để chuyển hướng sản xuất sang nuôi gà, vịt.
Theo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH chi nhánh huyện Duy Xuyên, tín dụng CSXH được triển khai với mục đích nhân văn là giúp hộ nghèo tiếp cận vốn để đầu tư mô hình kinh tế hiệu quả, vươn lên thoát nghèo và đảm bảo an sinh xã hội nên khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới là rất phù hợp với điều kiện người nuôi heo bị mất mát lớn bởi dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy, đang chờ chỉ đạo của cấp trên để có thể thực hiện hỗ trợ nông hộ nuôi heo.
Cần có báo cáo cụ thể
Ông Trần Văn Siêm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, địa phương đang rà soát lại các nông hộ có heo nuôi bị chết do dịch tả lợn châu Phi để tổng hợp, đề xuất với huyện, tỉnh tham mưu ngành ngân hàng tái cơ cấu lại vốn vay bằng cách khoanh nợ, gia hạn nợ và cho vay mới để nông hộ tái sản xuất bằng nghề mới. Theo ông Siêm, heo chết hàng loạt, mỗi ngày một nhiều thêm nên cán bộ thú y phải liên tục thống kê, chưa có con số chính thức toàn xã có tổng cộng bao nhiêu con heo bị chết. Hầu hết nông hộ chăn nuôi heo đều có dư nợ ở các tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại hoặc chính sách xã hội. Rất mong hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh gia hạn nợ, khoanh nợ, bổ sung vốn vay, giúp nông hộ tiếp cận để tái đầu tư sản xuất.
Bà Huỳnh Thị Bích Phượng, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ tín dụng Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cho biết, tổng dư nợ của các nông hộ nuôi heo trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này xấp xỉ 77 tỷ đồng. Nhiều hộ trong số đó đã bị thiệt hại nặng nề do heo chết vì dịch. Qua tìm hiểu ban đầu, rất nhiều hộ lâm vào cảnh khó khăn vì heo chết, không biết trả nợ bằng cách gì và không biết huy động vốn từ đâu để tiếp tục tạo sinh kế. “Đến nay, chỉ mới có 2 địa phương là huyện Duy Xuyên và TP.Tam Kỳ báo cáo tình hình nông hộ thiệt hại vì heo chết do dịch tả lợn châu Phi. Chúng tôi đang chờ cả 18 huyện, thị xã, thành phố báo cáo về các hộ vay vốn đầu tư nuôi heo và bị thiệt hại đến thời điểm này để đề xuất UBND tỉnh và Ngân hàng CSXH khoanh nợ, gia hạn nợ và bổ sung vốn vay giúp họ tiếp cận để tạo mô hình kinh tế mới nhằm ổn định đời sống” - bà Phượng nói.
Theo ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng hỗ trợ các hộ chăn nuôi heo bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, khẩn trương rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bằng các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất, đồng thời thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo các hình thức hỗ trợ của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. “Vấn đề quan trọng là các địa phương phải thống kê cụ thể, chính xác các hộ nuôi heo bị thiệt hại. Các tổ chức tín dụng phải gửi báo cáo, có đề xuất với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam về hướng giải quyết nợ vay của các nông hộ nuôi heo bị chết do dịch tả lợn châu Phi. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh trích ngân sách để các ngân hàng thương mại có thể khoanh nợ, gia hạn nợ và bổ sung vốn vay mới, giúp nông hộ tiếp cận đầu tư sản xuất” - ông Trần Quang Hổ nói.