Thu hút doanh nghiệp vào nông thôn
Những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã triển khai đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhưng thực tế cho thấy việc thu hút dự án vào lĩnh vực này vẫn còn gặp nhiều trở lực. Hội nghị hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp diễn ra hôm nay 16.8, được nhiều đại biểu đặt kỳ vọng sẽ cùng chính quyền địa phương, ngành chức năng chia sẻ, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà các doanh nghiệp, hợp tác xã gặp phải khi đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn Quảng Nam.
CHƯA TƯƠNG XỨNG TIỀM NĂNG
Trước năm 2013, số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn tỉnh rất hạn chế với chỉ khoảng 150 đơn vị. Từ năm 2013 đến nay, nhờ Chính phủ và tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, nên Quảng Nam đã có bước chuyển biến rõ nét trên lĩnh vực này. Tuy nhiên, nhiều địa phương hiện vẫn chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư tương xứng với tiềm năng bởi nhiều bất cập; trong đó hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp chưa cao, thị trường thiếu ổn định, chính sách về đất đai vẫn chưa thông thoáng, khó tiếp cận nguồn vốn vay... là những lực cản.
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua, các nhà đầu tư có quy mô lớn đang dần chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như Công ty CP Tập đoàn T&T, Công ty CP Ô tô Trường Hải, Công ty CP Kraig Biocraft Laboratories... Thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn do Nhà nước ban hành, nhất là Nghị định số 57/2018/NĐ-CP (ngày 17.4.2018) của Chính phủ và Nghị quyết số 45/2018/NQ-HĐND (ngày 6.12.2018) của HĐND tỉnh, thời gian qua Quảng Nam đã chi gần 80,7 tỷ đồng hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nông – lâm – thủy sản để có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm máy móc và ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại. Hiện nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đang hoàn tất thủ tục để tiếp tục giải ngân 1 tỷ đồng hỗ trợ Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam (đóng tại huyện Hiệp Đức) để mở rộng thêm 2 dự án sản xuất ván dán chịu nước và ván dán phủ gỗ tự nhiên...
Ông Ngô Văn Phi - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Minh (huyện Đại Lộc) cho biết, hơn 10 năm nay nhờ liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất giống lúa hàng hóa theo phương thức bao tiêu toàn bộ đầu ra mà người dân địa phương có nguồn thu nhập cao. Riêng vụ đông xuân 2018 – 2019, đơn vị đứng ra làm khâu trung gian để hơn 500 hộ dân trên địa bàn các thôn Phú Phước, Tây Gia, Gia Huệ hợp tác với Tập đoàn ThaiBinh Seed - Chi nhánh miền Trung & Tây Nguyên sản xuất 105ha hạt giống lúa thuần BC15, TBR1, HT1 trên những cánh đồng mẫu lớn. “Thực tế cho thấy, bình quân mỗi vụ 1 sào đất sản xuất các loại hạt giống lúa thuần mang lại cho nhà nông khoảng 2,7 triệu đồng, tăng 700 – 800 nghìn đồng so với canh tác lúa thương phẩm” – ông Phi nói.
Theo ông Ngô Tấn, những năm qua Quảng Nam đã thu hút được hơn 26 doanh nghiệp vào liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp tổ chức cho nông dân trên địa bàn tỉnh sản xuất mỗi năm ít nhất 4.000ha hạt giống lúa các loại và hơn 300ha hạt giống đậu xanh. Trong số đó, có 4 doanh nghiệp chủ lực là Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty CP Phát triển nông nghiệp Quảng Nam, Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, Công ty CP Giống cây trồng miền Nam. “Thực tế nhiều năm nay cho thấy, việc hợp tác với doanh nghiệp sản xuất lúa giống và đậu xanh đã giúp nông dân Quảng Nam tăng khoảng 25 – 40% giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Đặc biệt là nhờ doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên nhà nông nhẹ gánh lo về đầu ra của nông sản” – ông Ngô Tấn nhìn nhận.
Vẫn còn bất cập
Qua các cuộc khảo sát thực tế gần đây, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng nhìn nhận, những năm qua mặc dù các ngành, các cấp và nhất là nhân dân trên địa bàn tỉnh đã quyết liệt triển khai công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng nhưng diện tích đất sản xuất cho từng hộ dân vẫn còn rất nhỏ lẻ, manh mún. Do đó, việc xây dựng mô hình cánh đồng mẫu ở các địa phương trong thời gian qua chưa nhiều, những dự án cần diện tích đất sản xuất lớn gặp khó khăn trong việc liên kết sản xuất hoặc thuê đất của người dân. Còn ông Phạm Đình Thành - Trưởng phòng Kế hoạch & tài chính (Sở NN&PTNT) thì cho rằng, sản xuất nông nghiệp phải cần quỹ đất lớn, trong khi lợi nhuận mang lại thấp hơn so với các ngành nghề khác và hay gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ sản phẩm... Tuy nhiên, hiện nay khi thực hiện các dự án đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn thì chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn và phải thỏa thuận với từng hộ dân có đất gây khó khăn không nhỏ cho các nhà đầu tư.
Kết cấu hạ tầng thiết yếu trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn ở một số vùng của tỉnh, đặc biệt là tại khu vực miền núi cao còn rất nhiều hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến nông sản, dược liệu, thủy sản còn rất ít khiến việc liên kết sản xuất quy mô lớn và tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn đối với người sản xuất, chưa kích thích sản xuất hàng hóa mạnh... Ngoài ra, theo ông Phạm Đình Thành, các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn của tỉnh đa số là những nhà đầu tư nhỏ, ít am hiểu về thủ tục pháp lý của Nhà nước. Trong khi đó, quy định hướng dẫn và quản lý hoạt động đầu tư trên địa bàn Quảng Nam ban hành kèm theo Quyết định số 4575/QĐ-UBND (ngày 28.12.2017) của UBND tỉnh vẫn còn rườm rà, phức tạp. Bởi, các văn bản chưa được mẫu hóa, thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục không được quy định cụ thể trong Quyết định số 4575 này mà lại quy định trong các văn bản khác gây khó khăn cho các nhà đầu tư vì phải đi lại nhiều lần. “Có thể nhìn nhận, các thủ tục thỏa thuận đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động môi trường, cấp phép xây dựng, chính sách thuế... vẫn còn khá nhiều bất cập và kéo dài thời gian gây nản lòng nhà đầu tư. Qua giám sát cho thấy, rất nhiều dự án để có được quyết định chủ trương đầu tư phải mất thời gian trên dưới 2 năm” – ông Thành nói.
Có khoảng 400 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn
Thống kê mới nhất cho thấy, đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 400 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp và dược liệu có 45 dự án đầu tư, trong đó có 30 dự án đầu tư vào lâm nghiệp (14 dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư, 16 dự án đang làm thủ tục đầu tư) và 15 dự án đầu tư vào dược liệu - sâm Ngọc Linh (6 dự án đã thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh, 9 dự án đang làm thủ tục đầu tư). Đối với lĩnh vực thủy sản, có 11 dự án đầu tư, trong đó 9 dự án đầu tư vào nuôi trồng, chế biến thủy sản (5 dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư, 4 dự án đang làm thủ tục đầu tư) và 2 dự án đầu tư vào kết cấu hạ tầng thủy sản (đang làm thủ tục đầu tư). Về lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc và gia cầm tập trung, có 37 dự án đăng ký đầu tư. Trong đó, có 29 dự án đang triển khai đầu tư (25 dự án đầu tư chăn nuôi, 4 dự án đầu tư cơ sở giết mổ tập trung), 8 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư (7 dự án đầu tư chăn nuôi, 1 dự án đầu tư cơ sở giết mổ tập trung). Còn đối với lĩnh vực trồng trọt, chế biến sản phẩm nông nghiệp và một số lĩnh vực khác, có 20 dự án đăng ký đầu tư. Trong đó, có 10 dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh, 10 dự án đang làm các thủ tục nghiên cứu đầu tư. Ngoài ra, thời gian qua có 6 dự án đăng ký đầu tư vào lĩnh vực sản xuất - chế biến các sản phẩm nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 2 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và 4 dự án đang nghiên cứu, lập các thủ tục đầu tư...
NGUYỄN SỰ
DOANH NGHIỆP THIẾU VỐN
Không ít rào cản, điểm nghẽn từ cơ chế, chính sách lẫn sự phân vân, lo ngại từ giới ngân hàng nên dòng vốn thực sự đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Không dễ tiếp cận
Ông Cao Văn Đàn ở Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) nhờ vào nguồn vốn 1,4 tỷ đồng vay từ Agribank Quảng Nam đã có thể mở rộng trang trại nuôi gia súc, gia cầm, trở thành người có thu nhập cao ở vùng cát nắng mênh mông này. Hay như ông Hồ Thái Ba ở Trà Linh (Nam Trà My) đã vượt qua nghèo khó nhờ vào nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội… Đây là hai trong nhiều trường hợp nông dân đã nhận được sự tiếp sức kịp thời từ nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn cũng đã được giải cứu từ các gói tín dụng của Nhà nước hay các ngân hàng thương mại. Có thể nhận thấy sự thay đổi của Công ty CP Giao thương Quảng Xưa khi đã sản xuất hơn 72 tấn sản phẩm viên nén, đem về doanh thu 30 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 18% năm 2018. Doanh nghiệp này đã từng được cứu khi các ngân hàng thương mại quyết định thẩm định dự án, tư vấn tài chính và hỗ trợ vay vốn. Một Công ty CP Tinh bột sắn Quảng Nam đã từng dồn toàn bộ nguồn lực tài chính tự có để đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị, dẫn đến cạn vốn. Nhờ có Vietcombank cung cấp gói tín dụng, doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản này đã trở lại là một trong số những doanh nghiệp hàng đầu đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn ở Quảng Nam.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng "gặp may mắn" như các hộ dân hay doanh nghiệp kể trên. Hiện vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận vốn. Mới đây, trong một cuộc tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ, ông Nguyễn Ba – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Quế Sơn cho biết đã xây dựng thành công chuỗi giá trị liên kết khép kín thương hiệu heo sạch thảo mộc PIGECO và gà ta vàng thảo mộc Quế Sơn. HTX có ý định mở rộng quy mô sản xuất, nhưng thiếu đất, thiếu vốn… nên mọi kế hoạch đều phải dừng lại. Một chủ cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và thú y hoạt động hơn 35 năm qua tại Điện Hòa (Điện Bàn) nói gần như ở những giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp cần đến sự giúp đỡ của ngân hàng nhưng đều gặp khó. Chủ doanh nghiệp nói không tìm được tiền từ phía ngân hàng nên đành phải vay nóng để duy trì sản xuất. Ngay cả ông Lưu Văn Xưa – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giao thương Quảng Xưa – doanh nghiệp đã từng “nhờ” ngân hàng giúp, nhưng lại gặp khó khăn (dù có đủ điều kiện phát triển) khi cần vốn đầu tư giai đoạn 2. Chủ doanh nghiệp này từng “xin” Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ xem xét hồ sơ thuộc danh mục ưu đãi đầu tư cho phương án giai đoạn 2, cấp thêm bảo lãnh tín dụng để vay ngân hàng thương mại tiến hành dự án, nhưng không được chấp thuận.
Chưa cùng giao lộ
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, sau nhiều năm thực hiện các nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, cơ cấu tín dụng trên địa bàn đã chuyển dịch mạnh sang hướng tập trung vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng dần theo các năm. Trừ các ngân hàng Việt Á, Kiên Long, Tiền Phong, Indovina không có dư nợ cho vay đầu tư khu vực nông nghiệp, nông thôn, 24 tổ chức tín dụng khác đã mở rộng dòng vốn vào khu vực này. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, hiện tổng dư nợ đến cuối tháng 6.2019 khoảng 19.643,3 tỷ đồng. Chiếm nhiều nhất là đầu tư cho nông, lâm, thủy sản (khoảng 6.800 tỷ đồng); thu mua, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản và muối (hơn 2.196 tỷ đồng); chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản (hơn 481 tỷ đồng). Dư nợ không có tài sản đảm bảo chiếm 7.600 tỷ đồng và dư nợ có tài sản đảm bảo hơn 11.900 tỷ đồng. Song, sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch không thể đưa vốn ra bên ngoài được, không biết vì lý do gì!
Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 32%/tổng dự nợ của toàn ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh không phải là ít, nhưng so với nhu cầu rất lớn của khu vực này thì con số ấy vẫn còn khiêm tốn. Chủ yếu vẫn là Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam, hai ngân hàng này chiếm đến hơn 70% dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn. Ông Hà Thạch – Giám đốc Agribank Quảng Nam cho hay, đơn vị đang triển khai cấp vốn theo đúng quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Hướng về khu vực nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của Agribank Quảng Nam. Trong khi đó, dù theo chuẩn của các nghị định, phải dành vốn tối thiểu 20% cho đầu tư nông nghiệp, nông thôn, nhưng hầu như không ngân hàng nào thực hiện đúng.
Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam khẳng định, hệ thống ngân hàng sẵn sàng nguồn vốn đáp ứng kịp thời vay vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Doanh nghiệp cần có quy hoạch, xây dựng phương án kinh doanh khả thi để tạo niềm tin cho ngân hàng đầu tư vốn. “Quan tâm đầu tiên của ngân hàng là dự án có hiệu quả, đầu ra có ổn định hay không? Đó là cơ sở quan trọng để ngân hàng thẩm định, quản được dòng tiền đi đâu, có đủ khả năng trả nợ hay không?” – ông Hổ nói.
TRỊNH DŨNG
DUY XUYÊN NỖ LỰC THU HÚT ĐẦU TƯ
Những năm qua, huyện Duy Xuyên tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư vào nông nghiệp nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương.
Theo thống kê, tính đến giữa tháng 8.2019, Duy Xuyên đã thu hút được 9 doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, tập trung ở 2 lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài ra, hiện nay có 8 doanh nghiệp khác đang xúc tiến đầu tư chăn nuôi heo, gà, sản xuất nấm, nuôi trồng thủy sản với tổng số vốn đăng ký khoảng 80 tỷ đồng. Ông Trần Châu Giang – Phó Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, bình quân mỗi năm có 7 doanh nghiệp tìm đến địa phương liên kết với nông dân sản xuất lúa giống và bao tiêu đầu ra của một số loại cây trồng cạn chủ lực. Riêng vụ đông xuân 2018 – 2019 toàn huyện bố trí hơn 400ha đất sản xuất lúa giống, bí, ớt, đậu xanh... theo hướng hàng hóa có sự hợp tác giữa nhà nông với doanh nghiệp; trong đó cây lúa chiếm khoảng 65% diện tích vừa nêu.
Theo ông Trần Châu Giang, hầu hết doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đều gặp những khó khăn nhất định. Dù các cấp đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giảm thiểu đáng kể các thủ tục cũng như thời gian… nhưng rất ít doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp. Nguyên nhân là hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp quá thấp, thị trường luôn bấp bênh và chưa có chủ trương đồng bộ, chính sách rõ ràng, căn cơ về tích tụ ruộng đất. Ngoài ra, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn và bất cập. Trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ theo cơ chế rất khó tiếp cận, nhất là hạn mức vốn vay và cơ chế cho vay không đáp ứng được nhu cầu phát triển nên chưa động viên, khuyến khích được doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư. Hiện nay, tiềm năng to lớn của đất đai chưa được khai thác đúng mức. Nhiều diện tích mặt nước và rừng đồi chưa được quy hoạch, cải tạo, bố trí hợp lý cơ cấu cây - con giống. Trong khi đó, thời gian qua nhiều địa phương còn lúng túng trong việc đề nghị cấp trên giao đất, cho thuê đất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu đầu tư hoặc mở rộng dự án...
Ông Nguyễn Bốn – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng, để tạo động lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cần phải có chủ trương và cơ chế, chính sách cụ thể về tích tụ ruộng đất. Theo ông Bốn, hàng năm các địa phương phải xây dựng kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp và thu hút đầu tư, xác định đúng cơ cấu cây trồng - con vật nuôi, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ từ những cơ chế, chính sách và vốn vay ưu đãi, ứng dụng công nghệ phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, tập quán canh tác... nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, chính quyền huyện Duy Xuyên sẽ tiếp tục củng cố, phát triển các loại hình kinh tế hợp tác. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia làm “đầu tàu” trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Cùng với đó, UBND huyện cũng sẽ linh hoạt vận dụng, tham mưu cấp trên ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là về đất đai và nguồn vốn để khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc – gia cầm có quy mô lớn, hiện đại nhằm từng bước giảm áp lực phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ...
HOÀI NHI