Thất thu vụ bắp vì sâu keo
Sâu keo mùa thu - một loại sâu mới gây hại mùa màng nghiêm trọng đang xuất hiện tại nhiều địa phương của huyện Thăng Bình. Nhiều nông dân mất trắng vụ bắp vì loại sâu này.
Trồng bắp nhiều năm, nhưng vụ hè thu này, ông Nguyễn Văn Phụng (tổ 15, thôn Lý Trường, xã Bình Phú) mới thấy xuất hiện loại sâu gây hại trên cây bắp có tên gọi là sâu keo mùa thu. Ông cho biết mình bắt đầu trồng 2 sào bắp vào tháng 5 vừa rồi, ngay khi cây bắp sinh trưởng và phát triển được từ 3 đến 4 lá non thì sâu keo mùa thu xuất hiện. Loại sâu này ăn lá, ăn luôn cả phần thân cây bắp.
Thấy cây bắp bị tàn phá, ông Phụng đến đại lý thuốc bảo vệ thực vật để tìm mua thuốc nhưng không có thuốc đặc trị loại sâu này, ông mua thuốc trừ loại sâu keo thông thường về phun nhưng không hiệu quả. “Từ đầu vụ đến nay tôi đã phun thuốc 3 lần nhưng đến nay khi cây có trái thì gần 2 sào bắp của tôi chỉ còn lác đác vài chục cây nhưng cây nào cũng có sâu. Hơn nữa, ngay cả bên trong trái bắp nào cũng có từ 3 đến 5 con sâu. Vụ này coi như chẳng thu được trái nào” - ông Phụng cho biết.
Đám bắp gần 2 sào của ông Nguyễn Quý (thôn Lý Trường, xã Bình Phú) cũng thất thu vụ này bởi loại sâu keo mùa thu gây hại. Ông Quý cho hay, chưa bao giờ thấy loại sâu đặc biệt này. Loại sâu này chỉ ăn lúc cây bắp đang còn non. Tuy nhiên tốc độ ăn rất nhanh, chỉ cần không thăm đồng vài ngày, cây bắp đã héo rũ. Hiện trên thị trường chưa có thuốc để phun trừ, nông dân cũng đã thử sử dụng nhiều loại thuốc phun trừ sâu keo mùa thu nhưng không hiệu quả.
Theo ông Hồ Ngọc Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình, loại sâu này mới du nhập vào nước ta, có tên gọi là sâu keo mùa thu. Đây là đối tượng đa thực, loài này ăn rất nhiều loại cây trồng, trong đó chủ yếu là cây bắp. Sức phá của sâu keo mùa thu rất mạnh, khoảng độ 3 - 4 con/m2 đã có thể báo hiệu diện tích nhiễm bệnh. Đối với một số diện tích bắp trồng rải rác ở các địa phương trên địa bàn huyện, lúc cây bắp chừng 3 - 5 lá, sâu keo mùa thu xuất hiện mật đô rất cao.
“Bản chất của một sinh vật lạ ban đầu du nhập thì với mật độ rất thấp, nhưng sau đó thích nghi với môi trường mới thì phát triển nhanh hơn. Khi phát triển đến mức độ nhất định sẽ tạo ra dịch hại. Chúng tôi định hướng cho nông dân loại thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ tùy vào tình hình sâu bệnh cụ thể, nhưng khi dùng thuốc bảo vệ thực vật, nông dân phải vạch từng luống bắp phun thật kỹ vào thân cây mới có thể duyệt trừ được sâu keo mùa thu. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, mà phải tiến hành theo dõi thường xuyên, quay sang dùng thuốc sinh học. Đặc biệt khuyến cáo người dân trong sản xuất phải cơ cấu giống đồng loạt và thời vụ, không nên làm riêng lẻ” - ông Hồ Ngọc Quảng nói.