Dịch tả lợn châu Phi tại Phước Sơn: Nguy cơ tuyệt chủng đàn heo đen

TRẦN HỮU 09/08/2019 10:04

Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan ở nhiều xã vùng cao Phước Sơn, khiến người chăn nuôi gặp khó. Mặc dù các nẻo đường đã được chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ nhưng nỗi lo của chính quyền địa phương lúc này là phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng đàn heo đen bản địa.

Con heo nái đen của bà Hồ Thị Nhi bị đem đi tiêu hủy sáng 7.8. Ảnh: T.H
Con heo nái đen của bà Hồ Thị Nhi bị đem đi tiêu hủy sáng 7.8. Ảnh: T.H
Lây lan nhanh

Sáng 7.8, chúng tôi có mặt ở xã Phước Công (Phước Sơn), nơi bùng phát ổ dịch đầu tiên của huyện. Một trạm chốt chặn, kiểm soát động vật được đặt ở con đường dẫn vào trung tâm xã. Vừa phát hiện con heo nái đen bị chết sau mấy ngày tìm kiếm, bà Hồ Thị Nhi (đồng bào Giẻ triêng, thôn 2, xã Phước Công) thật thà: “Mấy ngày qua, cả nhà lục hết khu rừng chung quanh vẫn không tìm thấy heo mẹ, thì sáng nay cán bộ xã báo phát hiện heo chết gần chỗ chôn lấp. Đây là con heo thứ 8 của gia đình tôi bị bệnh chết”. Lúc chúng tôi có mặt ở ổ dịch Phước Công thì cán bộ thú y huyện, xã đã đến đây làm các thủ tục tiêu hủy heo đen của gia đình bà Nhi. Con heo nái này có trọng lượng hơn 70kg. Một hộ chăn nuôi khác là ông Hồ Văn Tơ (thôn 2, xã Phước Công) cho biết, đàn heo đen là tài sản của gia đình, dịch bệnh chết hết heo không biết bà con rồi đây sẽ nuôi con gì. “Đồng bào mình vẫn còn thói quen nuôi thả rông, không chuồng trại. Loại heo đen này mạnh lắm, rứa mà nhiễm bệnh co giật hơn 1 giờ đồng hồ rồi lăn đùng ra chết. Đàn heo mười mấy con của gia đình thả rông trong rừng, không biết còn sống được bao nhiêu con ” - ông Tơ nói.

Đàn heo đen và trắng của gia đình bà Lưu Thị Mai (thôn 1, Phước Công) hàng chục con đang đứng trước nguy cơ đem đi tiêu hủy. Chứng kiến con heo với triệu chứng co giật, tươm máu ở mắt, giẫy giụa được tách ra ở một chuồng riêng biệt, bà Nguyễn Thị Phượng (cán bộ thú y thuộc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện), phụ trách địa bàn xã Phước Công lo lắng: “Mức độ lây lan của dịch tả lợn châu Phi khủng khiếp thật. Chỉ một con thoi thóp thì cả đàn có triệu chứng biếng ăn, có vết bầm, đỏ sần trên cơ thể. Giống heo đen của địa phương được huyện chọn làm mô hình phát triển kinh tế điển hình, từ chương trình 135 hỗ trợ, nhưng với diễn biến dịch phức tạp như hiện nay, nguy cơ tuyệt chủng giống là hoàn toàn có thể xảy ra”.

Theo bà Phượng, ổ dịch xuất hiện đầu tiên vào ngày 1.8 và chỉ gần một tuần tại địa bàn xã Phước Công đã có 43 con heo bị bệnh phải đem đi tiêu hủy, nhưng thực tế số heo chết nhiều hơn vì không thể thống kê đầy đủ do đồng bào có thói quen nuôi thả rông. Việc kiểm soát dịch bệnh tại chỗ rất khó khăn cũng vì đồng bào dân tộc thiểu số ít đầu tư chuồng trại, trong khi đó dịch bệnh lây lan phần lớn theo gió qua đường không khí. Trước tình hình dịch bùng phát mạnh, ngành thú y địa phương chỉ còn cách vận động bà con lùa đàn heo thả rông về chuồng trại và báo cáo kịp thời với ngành chức năng về heo dịch bệnh. Chủ tịch UBND xã Phước Công – ông Hồ Văn Mác cho biết, cái khó nhất của chính quyền là kiểm soát dịch bệnh, đàn heo chủ yếu thả rông nên tốc độ lây bệnh sẽ rất nhanh. Heo đen bản địa có sức đề kháng mạnh nhưng vẫn bị dịch bệnh tấn công.

Nhiệm vụ cấp thiết

Theo UBND huyện Phước Sơn, đến chiều 7.8, toàn huyện có 71 con heo bị nhiễm bệnh tả lợn châu Phi phải đem tiêu hủy với trọng lượng 1.187kg, địa phương công bố vùng dịch tại các xã Phước Công, Phước Xuân, Phước Năng và thị trấn Khâm Đức. Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Nguyễn Mạnh Hà cho biết, công tác dập dịch được chính quyền chỉ đạo khẩn trương hơn bao giờ hết, địa phương xem đây là nhiệm vụ cấp thiết trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 trong thời điểm hiện tại. Tinh thần chung là dừng triển khai các dự án liên quan đến việc mua heo hỗ trợ đồng bào trên địa bàn. Ưu tiên sử dụng nguồn dự phòng ngân sách cấp xã để triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Để phong tỏa các ngã đường có nguy cơ lây bệnh tả lợn châu Phi, Phước Sơn đã lập các điểm chốt chặn tại các xã Phước Công, Phước Lộc, Phước Chánh; thành lập tổ chốt chặn dịch liên ngành (gồm các ngành công an, quản lý thị trường, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện) tại khu vực 31 trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, quanh các địa điểm chôn lấp trong rừng đều được rào chắn bởi lưới B40. Các địa phương thực hiện mô hình thu gom rác thải tập trung tiến hành đốt, tiêu hủy rác sau thu gom để hạn chế lây lan dịch bệnh ra môi trường.

Theo quan sát, khắp các xã vùng dịch của huyện, công tác tuyên truyền, cổ động trực quan về phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi được thực hiện nghiêm túc và kịp thời. Trước khi rời vùng dịch, tất cả người và xe trong đoàn công tác của chúng tôi đã được khử trùng, tiêu độc bằng hóa chất.

TRẦN HỮU