Lại vứt xác heo chết ra môi trường
Những ngày qua, vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi phát tán mạnh tại 2 xã Quế Xuân 1 và Quế Xuân 2 của huyện Quế Sơn khiến số heo nhiễm dịch phải tiêu hủy khẩn cấp liên tục tăng lên. Trong khi đó, trên những con sông và hệ thống kênh mương, người dân lại vứt xác heo chết, dễ làm mầm bệnh lây lan nhanh.
Sáng qua 31.7, đội ngũ thú y và thanh niên xung kích của xã Quế Xuân 1 (Quế Sơn) lại tiếp tục tiêu hủy khẩn cấp 9 con heo nái, 20 con heo thịt bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi của hộ ông Phan Văn Đồng ở thôn Trung Vĩnh. Ông Phan Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1 cho biết, tính đến thời điểm này, toàn xã Quế Xuân 1 đã có hơn 500 con heo bị bệnh dịch tả lợn châu Phi gây hại phải tiêu hủy khẩn cấp với tổng trọng lượng không dưới 30 tấn heo hơi. Mầm bệnh vẫn đang phát tán mạnh chứ chưa có dấu hiệu chững lại.
Điều đáng nói là hiện có một bộ phận người dân lại thiếu ý thức trong công tác phòng chống dịch. Sáng qua 31.7, có mặt trên tuyến sông Cống Ba thuộc địa phận 2 thôn Phù Sa – Trung Vĩnh của xã Quế Xuân 1, chúng tôi thấy xác một con heo nái lớn bị vứt nổi lềnh bềnh. Nhận tin báo của phóng viên Báo Quảng Nam, lập tức ông Phan Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1 cắt cử lực lượng xung kích đến ngay hiện trường vớt xác heo đưa đi tiêu hủy. “Dịch tả lợn châu Phi đang trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng nhưng ý thức về phòng chống dịch của một bộ phận người dân quá kém. Những ngày qua, chính quyền xã Quế Xuân 1 đã phát hiện và xử lý ít nhất 30 xác heo chết nổi trên sông. Vì không bắt được tận tay nên chúng tôi không biết số xác heo chết này do người dân địa phương vứt hay là từ nơi khác trôi về” – ông Thành nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào sáng cùng ngày, ông Lê Thọ Hồng – Phó Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 2 (Quế Sơn) cho hay, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa phương cũng đang rất “nóng”. Hiện dịch đã xuất hiện tại tất cả 6/6 thôn của xã Quế Xuân 2 khiến hàng trăm con heo của hơn 125 hộ chăn nuôi bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng khoảng 40 tấn heo hơi. “Trong khi các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương đang dốc toàn lực cho công tác phòng chống dịch thì những ngày qua chúng tôi lại phát hiện nhiều xác heo chết nổi lờ đờ trên các con sông và một số tuyến kênh mương. Trước tình hình đó, chúng tôi phải huy động nhân lực vớt xác heo lên và thuê xe múc đào hố tiêu hủy để hạn chế sự lây lan của mầm bệnh. Do các con sông và những tuyến kênh mương chảy qua nhiều địa phương nên không thể khẳng định người dân ở nơi nào vứt xác heo chết” – ông Hồng nói.
Ông Nguyễn Thành Nam – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam cho biết, trong vòng 2 tháng rưỡi nay dịch tả lợn châu Phi đã khiến 50.206 con heo của 12.249 hộ chăn nuôi ở 14/18 huyện, thị xã, thành phố bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 2.630 tấn heo hơi. Nhằm hạn chế sự lây lan của mầm bệnh, bên cạnh việc yêu cầu phải siết chặt khâu kiểm soát, kiểm dịch và thường xuyên vệ sinh môi trường, phun hóa chất tiêu độc khử trùng trên phạm vi rộng thì Chính phủ, UBND tỉnh cũng liên tục đề nghị ngành liên quan cùng chính quyền các cấp phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền và lập bản cam kết với từng cơ sở, hộ chăn nuôi về việc thực hiện triệt để “5 không” là không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không vứt xác heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt để nuôi heo; không điều trị heo nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.