Nuôi ruồi lính đen cho thu nhập cao
Sau nhiều năm bôn ba, anh Nguyễn Chánh Tín (trú thôn Phú Nhơn, xã Quế Lưu, Hiệp Đức), chọn cho mình hướng đi mới để phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi ruồi lính đen. Đây là mô hình mới lạ, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp cao su Bình Phước, anh Tín có thời gian gần 4 năm rong ruổi tìm kiếm việc làm và có lúc về quê để phụ giúp gia đình. Thế rồi, như một cơ duyên, anh tình cờ được người thân giới thiệu về mô hình nuôi ruồi lính đen. Nhận thấy đây là mô hình mới và không đầu tư nhiều nên anh quyết định chuyển sang nuôi con vật này.
Ban đầu chỉ với 20g trứng ruồi lính đen, cùng với chi phí xây dựng chuồng trại, anh đầu tư gần 15 triệu đồng để triển khai mô hình. Từ nguồn trứng mua về, anh Tín ấp thành ấu trùng rồi thành nhộng và lột xác thành ruồi. Vòng đời ruồi lính đen kéo dài trong vòng 35 đến 40 ngày. Khi ấu trùng phát triển thành nhộng, thì đây chính là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng, rất tốt phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ruồi lính đen sẽ tự chết sau khi hết vòng đời và được tận dụng làm phân bón hữu cơ.
Lúc đầu, anh nuôi với mục đích phục vụ cho việc chăn nuôi của gia đình, dần dần, nguồn nhộng dồi dào nên bán cho một số bà con trong xóm. “Với thời tiết khắc nghiệt của mảnh đất miền Trung, mưa gió thất thường cộng với nguồn thức ăn khan hiếm là một trong những khó khăn lớn khi bắt đầu triển khai mô hình. Có thời điểm, do trong mùng mới mua về có chứa thuốc diệt muỗi nên ruồi chết rất nhiều” - anh Tín chia sẻ.
Hiện tại mô hình nuôi ruồi lính đen của anh Tín đã dần phát triển và cho thu nhập ổn định. Mỗi ngày, trại nuôi cho ra từ 50 đến 70gram trứng (giá bán 15 nghìn đồng/gram) và khoảng 10kg nhộng (40 nghìn đồng/kg). Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày anh Tín thu nhập khoảng 1 triệu đồng. Tận dụng nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng của nhộng, anh nuôi gà, vịt, heo theo hướng hữu cơ để tăng thêm thu nhập.
Ruồi lính đen là loài động vật ăn tạp, thức ăn cho ấu trùng có thể được tận dụng từ nhiều thực phẩm bỏ đi. Song hiện tại anh Tín chưa tìm được nguồn thực phẩm nào thuận lợi hơn nên anh dùng bả đậu nành để làm thức ăn cho nhộng, với chi phí khá cao (mỗi ký bả đậu là 15 nghìn đồng). Anh Tín đang đầu tư thêm chuồng nuôi và trong thời gian đến, dự định sẽ mở rộng mô hình. Nếu thuận lợi thì mỗi ngày sẽ cho ra khoảng 200gram trứng và nguồn thu nhập là 3 triệu đồng/ngày.
Anh Nguyễn Hữu Hải - Bí thư Đoàn xã Quế Lưu nói: “Không chỉ mạnh dạn trong việc tìm hướng đi mới trong chăn nuôi, Tín còn là một đoàn viên thanh niên năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động phong trào tại địa phương. Từ nguồn nhộng cung cấp của trại nuôi anh Tín, một số thanh niên cùng thôn cũng đã đầu tư nuôi heo, gà cho thu nhập tương đối ổn định. Anh là một trong những thanh niên ưu tú, vinh dự được kết nạp vào Đảng vào cuối năm 2018. Tín cũng là một thành viên tích cực tham gia vào Câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo Hiệp Đức”.