Làm giàu từ mô hình ươm cây keo giống
Sau khi đến nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm, ông Nguyễn Văn Chương (thôn Xuân Thái, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình) quyết định xây dựng mô hình vườn ươm cây keo giống để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, mỗi năm ông cung cấp cho thị trường khoảng 2 triệu cây keo giống.
Ông Chương vốn là nông dân chân lấm tay bùn, làm từng mảnh ruộng để kiếm cái ăn. Năm 2009, ông được Hội Nông dân xã cho tham gia học nghề ươm cây keo giống. Lúc ấy, ông cho rằng chỉ học để cho có chứng chỉ với thiên hạ. Ai ngờ, càng học, ông càng đam mê nghề ươm cây keo giống.
Qua 3 tháng học nghề, ông Chương chỉ hình thành được ý tưởng kinh doanh, còn kỹ thuật thì chưa đạt như mong muốn. Do vậy khi ấy có thời gian rảnh là ông tìm đến những địa phương của huyện Quế Sơn - nơi có những vùng ươm cây keo giống nổi tiếng để học thêm. Học khoảng 3 tháng, ông quyết tâm lấy nghề ươm cây keo giống để phát triển kinh tế gia đình.
Vay mượn được gần 40 triệu đồng, ông Chương đầu tư tất thảy vào ươm keo giống, mặc cho vợ cản trở. Thật may mắn cho ông, hơn 1 năm sau, số vốn đầu tư đã được thu hồi. Bước sang năm thứ 2, khoảng 80.000 cây keo giống gần đến ngày xuất bán bị kẻ xấu phá sạch chỉ trong vòng 1 đêm. Năm ấy, tưởng đã từ bỏ sinh kế này nhưng ông Chương tiếp tục kiên trì, đầu tư cho mô hình kinh tế của mình.
Ông khôi phục, cải tạo lại 4 sào đất trong vườn, tiếp tục trồng keo giống. Theo ông, lúc ấy đa số keo giống được ươm từ hạt hiệu quả rất thấp và thời gian ươm kéo dài. Từ khâu chuẩn bị hạt, cho đến lúc ươm tốn rất nhiều thời gian. Điều nữa, khi keo giống đến tay các chủ vườn thường tỷ lệ sống chỉ đạt khoảng 50%.
“Nhận thấy được nhược điểm từ việc ươm keo hạt, năm 2015, tôi đã tìm đến những vườn ươm ở tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Định để học thêm nghề ươm cây keo theo phương pháp giâm hom. Thời gian ấy, tôi thường xuyên liên lạc với một số kỹ sư giàu kinh nghiệm ở các nơi để nâng cao kiến thức” - ông Chương nói.
Sau khi đã có kinh nghiệm, ông Chương mạnh dạn thuê 20 sào đất ở hồ Đông Tiển (xã Bình Trị) để xây dựng vườn giống lấy hom. Từ 80.000 cây keo cung cấp ra thị trường năm đầu tiên, đến năm 2017, ông Chương đã nâng lên con số 2 triệu cây keo giống. Hiện nay, giá bán cây keo giống khoảng 80 nghìn đồng/100 cây, ông thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Không chỉ cho thu nhập ổn định, mô hình kinh tế của ông Chương còn tạo việc làm cho 5 lao động.
Ông Huỳnh Quới - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thăng Bình cho hay: “Bản lĩnh của người nông dân là chịu khó, cần cù, và ông Nguyễn Văn Chương đã hội tụ đủ 2 yếu tố này. Nhờ vậy ông đã xây dựng được mô hình ươm cây keo giống thành công và cho thu nhập ổn định”.