Triển vọng mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá ở Nông Sơn

TÂM LÊ 29/06/2019 14:28

(QNO) - Việc thử nghiệm thành công mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá không chỉ giúp người dân Nông Sơn có hướng đi mới để chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, tăng thu nhập mà còn tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, góp phần tạo cảnh quan du lịch sinh thái cộng đồng.

Trồng sen kết hợp nuôi cá là hướng đi triển vọng cho người dân Nông Sơn. Ảnh: TÂM LÊ
Trồng sen kết hợp nuôi cá là hướng đi triển vọng cho người dân Nông Sơn. Ảnh: TÂM LÊ

Vụ hè thu năm 2018, trước hiệu quả kinh tế bấp bênh của lúa nước trời, gia đình ông Trần Văn Trà (thôn Mậu Long, xã Quế Ninh) chuyển đổi 5 sào đất ruộng không chủ động nước sang trồng sen. Do chưa có kinh nghiệm, gia đình ông Trà trồng sen vào mùa mưa nên sen bị thối củ, không phát triển.

Tháng 2.2019, ông Trà tham gia mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá do Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn tổ chức. Tham gia mô hình, ông Trà được tập huấn kỹ thuật tương ứng với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây sen và cá. Ngoài ra, trung tâm hỗ trợ 5.000 con cá diêu hồng, giống sen và cử cán bộ kỹ thuật cùng gia đình ông Trà cấy trồng sen.

Đến nay, mặc dù mới đầu vụ thu hoạch nhưng sen của gia đình ông Trà đạt chất lượng cao, hạt sen to, đẹp, cá phát triển tốt. “Nhìn ao sen tươi tốt và cho thu hoạch khá, tôi phấn khởi lắm. Hiện mức giá sen tươi trung bình 40 - 50 nghìn đồng/kg. So với làm lúa nước trời thì mô hình này có chi phí thấp, ít tốn công chăm sóc và hiệu quả kinh tế hơn rất nhiều” - ông Trà chia sẻ.

Ông Nguyễn Thái Dương (thôn Mậu Long) cũng tham gia mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá và bước đầu cho kết quả khả quan. Ông Dương cho biết, trước đây 5 sào đất ruộng của ông chỉ canh tác lúa một vụ nhưng không đạt hiệu quả. Mùa nắng thì khô hạn, còn mùa mưa ngập úng, rất khó canh tác.

“Gia đình tôi cũng từng nghĩ đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất lúa kém hiệu quả nhưng chưa tìm được cây gì thích hợp. Khi tham gia mô hình trồng cây sen kết hợp nuôi cá, tôi nhận thấy nhiều ưu điểm. Đặc biệt, cây sen dễ trồng, có thể sử dụng từ gốc tới ngọn, thị trường hạt sen tương đối ổn định. Vì thế, thời gian tới gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích trồng sen và kết hợp thả cá” - ông Dương nói.

Mô hình được Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Nông Sơn triển khai từ tháng 2.2019 với sự tham gia của 4 hộ dân ở 2 xã Quế Ninh và Quế Trung. Ông Lê Quốc Sỹ - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Nông Sơn cho biết, thực hiện mô hình, trung tâm đã hỗ trợ 12 nghìn con cá giống diêu hồng, 100% giống sen, 50% phân bón và công kỹ thuật cấy trồng cây sen.

Ngoài ra, trung tâm thường xuyên cử cán bộ theo dõi mô hình, hỗ trợ kỹ thuật kịp thời cho các hộ tham gia. Sen là loại dễ trồng, chi phí ban đầu thấp, ít sâu bệnh, khả năng chống chọi sâu bệnh cao, ít tốn công chăm sóc và phù hợp đồng đất địa phương. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 7ha trồng sen.

“Theo hạch toán kinh tế, nếu mô hình sản xuất lúa nước trời lỗ 2,4 triệu đồng/ha thì mô hình trồng cây sen kết hợp nuôi cá cho thu nhập 95 triệu đồng/ha. Trồng sen lấy hạt kết hợp thả cá nhằm tận dụng và nâng cao thu nhập trên một diện tích sản xuất. Đây đang là hướng đi có nhiều triển vọng cho người nông dân ở Nông Sơn để chuyển đổi đất nông nghiệp trồng lúa kém hiệu quả” - ông Sỹ nhận định.

TÂM LÊ