Cảnh giác với dịch... nhân tạo
Cuối tuần rồi, Tư tôi quay lại xã miền biển Duy Hải (Duy Xuyên) – nơi bùng phát ổ bệnh dịch tả heo châu Phi đầu tiên cách đây hơn 1 tháng. Ngồi chống cằm trước hiên nhà, thấy Tư đi ngang qua, anh Ba Tây Sơn gọi vào uống trà đá giải khát. Nghe hỏi về tình hình chăn nuôi, anh Ba cho biết, đi làm phụ hồ dành dụm được chút ít tiền, đầu tháng 2 dương lịch năm nay vợ chồng anh bỏ ra 1,5 triệu đồng mua 3 con heo choai về thả nuôi thịt.
Hiện trọng lượng bình quân mỗi con đạt khoảng 75kg hơi và tất cả đều khỏe mạnh. Anh Ba Tây Sơn chậc lưỡi: “Do quá kẹt tiền nên thời điểm này tui cần xuất bán 3 con heo thịt, nhưng việc đó không thể thực hiện được vì chính quyền địa phương đã ban bố lệnh cấm vận chuyển, mua bán, giết mổ, tiêu thụ heo và các sản phẩm từ heo trên toàn địa bàn. Nói thiệt với chú Tư mi, nếu những ngày tới loại dịch tả heo châu Phi vẫn cứ gây hại thì đường cùng là tui bỏ 3 con heo chết đói rồi báo chính quyền đến đưa đi tiêu hủy để nhận tiền hỗ trợ với mức 38.000 đồng/kg hơi. Làm vậy là không phải, nhưng biết tính răng chừ”.
Lên xã Đại Nghĩa của huyện Đại Lộc, Tư tôi lại nghe chị Bảy Phiếm Ái than phiền về chuyện dịch tả heo châu Phi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiêu thụ heo thịt tại địa phương. Chị Bảy nói: “Mặc dù đến thời điểm này dịch vẫn chưa xuất hiện tại quê tôi nhưng giá bán heo hơi trên thị trường tụt giảm mạnh. Đầu tháng 5 trở về trước, khi Quảng Nam chưa bị dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm, thương lái đến tận chuồng trả mua heo thịt với mức giá 45 nghìn đồng/kg hơi, còn nay giá bán rớt xuống 32 nghìn đồng/kg hơi nhưng thương lái thu mua rất cầm chừng. Hiện tôi có 6 con heo thịt đã đến kỳ xuất chuồng, nếu chấp nhận bán với mức giá trên thì sẽ bị thua lỗ nặng. Nói ra chỗ tiêu cực chứ nếu heo bị nhiễm dịch phải tiêu hủy bắt buộc thì được nhà nước hỗ trợ 38 nghìn đồng/kg hơi sẽ đỡ khổ hơn nhiều”.
Ông Nguyễn Thành Nam – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho biết, trong thời điểm như hiện nay thì việc đưa ra những biện pháp mạnh nhằm ngăn ngừa tình trạng người chăn nuôi tự tạo ra “dịch giả” để được tiêu hủy heo và nhận tiền hỗ trợ từ ngân sách là rất cần thiết. Theo ông Nam, UBND tỉnh đã liên tục yêu cầu ngành liên quan cùng chính quyền các cấp phải tăng cường khâu giám sát dịch bệnh đến tận hộ dân và kiểm tra chặt chẽ việc tiêu hủy heo mắc bệnh. “Chi cục Chăn nuôi & thú y vừa tham mưu Sở NN&PTNT lập văn bản trình UBND tỉnh về việc thay đổi cơ chế hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo bị nhiễm dịch phải tiêu hủy bắt buộc. Theo đó, sắp tới sẽ không hỗ trợ với mức 38 nghìn đồng/kg heo hơi như đã áp dụng trong thời gian qua mà điều chỉnh lại là hỗ trợ 80% theo giá heo hơi trên thị trường tại thời điểm tiến hành tiêu hủy heo mắc bệnh của người dân” – ông Nam nói.