Tỷ phú nuôi gà trên cát
Từ sự hỗ trợ, tạo điều kiện về đất đai của chính quyền huyện Thăng Bình và xã Bình Nam, ông Lê Duy Đức - một cán bộ về hưu đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi gà quy mô lớn trên vùng đất cát, đem lại có lợi nhuận khá.
Dám nghĩ, dám làm
Ông Lê Duy Đức là cán bộ về hưu, từng bắt tay xây dựng cơ sở sản xuất nước đá, rồi cơ sở sản xuất gạch tại thôn Tịch Yên, xã Bình Nam, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh không đem lại hiệu quả như mong đợi. Năm 2009 - 2010, qua lứa nuôi gà thả vườn đồi với quy mô chừng 100 con đầu tiên thành công, ông Đức nhận thấy vùng cát trắng Tịch Yên rất thích hợp để chăn nuôi, ít phát sinh dịch bệnh.
Từ đó ông lập kế hoạch xây dựng trên các nổng cát trắng mô hình nuôi gà thả vườn đồi kết hợp chuồng trại, và đề xuất địa phương có cơ chế ưu đãi về đất đai, vốn vay lãi suất thấp từ Hội Nông dân xã. Nhận được sự hỗ trợ của chính quyền, Hội Nông dân địa phương, ông đầu tư vốn liếng xây dựng chuồng trại bán kiên cố nuôi gà. Qua nhiều lứa nuôi thành công, tổng đàn gà nuôi lấy thịt không ngừng được nhân lên trên tổng diện tích chuồng trại và khu vực thả rông gần 2ha. Ông còn được huyện Thăng Bình tạo điều kiện cho đi tham quan, học tập các mô hình sản xuất, chăn nuôi. Từ kinh nghiệm có được và những điều mắt thấy tai nghe, ông tiếp tục tăng tổng đàn gà và đạt con số 46.000 con như hiện nay.
Trên các nổng cát trắng chạy dài tít tắp, cơ ngơi mà ông Đức tạo nên ít ai có thể tưởng tượng nổi. Ông xây dựng tổng cộng 23 chuồng gà bán kiên cố, nền bê tông, lợp mái tôn, kéo lưới B40 bao bọc chuồng trại, thả các lứa gà nuôi theo kiểu xen kẽ. Mỗi chuồng trại có chu kỳ nuôi 2 lứa, sau đó bỏ không một thời gian để xử lý, vệ sinh, hạn chế dịch bệnh rồi mới nuôi trở lại. Các lứa gà nuôi sát mí nhau nên mỗi tháng ông xuất bán 3.000 con gà thịt (trọng lượng 2kg/con) ra thị trường và tiếp tục nhập về 3.000 gà con giống đạt chuẩn từ Bình Định để đảm bảo xuất ra thị trường các lứa gà thịt nối tiếp nhau.
Với tổng đàn gà khủng nuôi và xuất bán quanh năm, mỗi năm ước tính trang trại của ông Đức đem lại doanh thu 4,6 tỷ đồng, lợi nhuận gần 1 tỷ đồng. “Nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch ngày ngày càng cao, muốn mở rộng mô hình phải có thương hiệu. Vì vậy, tôi quyết định nuôi gà theo hướng an toàn, liên kết với công ty sản xuất giống, cung ứng thức ăn, đơn vị thu mua gà thịt để chủ động trong sản xuất, tiêu thụ, không phải qua khâu trung gian nào. Chi phí thức ăn, con giống của tôi vì thế cũng rẻ hơn so với thị trường, đó cũng là lợi thế hơn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khác” - ông Đức chia sẻ.
Sẻ chia kinh nghiệm
Chia sẻ về thành công của mô hình chăn nuôi, ông Lê Duy Đức cho biết, từ việc xây dựng mô hình chuồng trại chăn nuôi trong điều kiện và khả năng của mình, tận dụng ưu thế về điều kiện vùng nuôi là cát trắng, vật nuôi ít dịch bệnh, đầu tư kỹ thuật đệm lót sinh thái và sử dụng chế phẩm sinh học BALASA để phân hủy phân gà thành chất hữu cơ, giảm mùi hôi thối chuồng trại, giảm công sức dọn phân chuồng. Để giảm thiểu rủi ro cho đàn vật nuôi, ông nhập giống gà chuẩn từ một công ty có uy tín ở Bình Định, tiêm vắc xin đầy đủ cho đàn vật nuôi ở thời điểm thích hợp.
Ông Đức chia sẻ, làm đệm lót không khó, cứ 1.000 gà dùng 2kg men BALASA, trộn với 8kg cám, cám phải tưới nước cho ướt, đổ vào xô, trộn ủ 2 đêm rồi mang ra rải vô chuồng gà. “Thấy mô hình nuôi gà với số lượng lớn trên nền đệm lót sinh học của tôi thành công, đã có cả trăm đoàn trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Với những nông dân chịu khó tìm hiểu, tôi đều chia sẻ kinh nghiệm. Có vợ chồng nông dân nọ ở Hiệp Đức lặn lội xuống ở lại nhờ tôi cho xem cách thức làm đệm lót, vệ sinh và tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi. Nông dân với nhau hết, ai cần thì tôi “cầm tay chỉ việc” luôn” - ông Đức cho hay.
Ông Trần Văn Tốt - Chủ tịch UBND xã Bình Nam nói, không chỉ là tấm gương vượt khó phát triển kinh tế tiêu biểu của địa phương, ông Đức còn được huyện, tỉnh, trung ương trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen về gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Đáng nói, ông Đức còn sẵn sàng chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi, kỹ thuật làm đệm lót sinh học đến người dân ở Thăng Bình và vùng lân cận giúp bà con vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện môi trường chăn nuôi. Ông Đức còn nhiệt tình đóng góp vào các quỹ xã hội, tích cực hưởng ứng các hoạt động xã hội tại địa phương.