Dịch tả heo châu Phi gây thiệt hại nặng
Mặc dù gần 1 tháng nay các ngành, các cấp và cả người chăn nuôi đã quyết liệt triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống nhưng vi rút gây bệnh dịch tả heo châu Phi vẫn tiếp tục lan rộng tại nhiều địa phương, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Thiệt hại lớn
Ngoài việc nuôi 1 con heo nái sinh sản, khoảng đầu tháng 4.2019 gia đình bà Nguyễn Thị Phúc ở thôn An Thọ (xã Tam An, Phú Ninh) mua 54 con heo choai về thả nuôi thịt. Vừa qua bầy heo này bị phát hiện mắc dịch tả heo châu Phi nên các đơn vị liên quan phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng 2.658kg. Toàn bộ 55 con heo phải chở đi tiêu hủy, đồng nghĩa với việc bà Nguyễn Thị Phúc thiệt hại cả 100 triệu đồng tiền mua con giống, thức ăn... Giờ đây, gia đình bà Phúc chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước để có điều kiện đầu tư tái đàn sau khi loại dịch bệnh nguy hiểm này được khống chế.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào sáng qua 10.6, ông Võ Thanh Anh - Trưởng phòng NN&PTNT Phú Ninh cho hay, ngoài 5 xã gồm Tam An, Tam Lộc, Tam Vinh, Tam Dân, Tam Đàn thì vi rút gây bệnh dịch tả heo châu Phi cũng vừa xuất hiện tại 2 xã Tam Phước và Tam Thái với 99 con heo của 23 hộ dân ở 12 thôn bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy bắt buộc (tổng trọng lượng 4.567,5kg). Để tạo điều kiện cho người chăn nuôi tái đàn sau dịch, Nhà nước quy định mức hỗ trợ cho những hộ dân có heo nhiễm bệnh bị tiêu hủy bắt buộc là 38 nghìn đồng/kg heo hơi.
Không riêng gì huyện Phú Ninh, những ngày gần đây dịch tả heo châu Phi cũng tiếp tục lây lan tại nhiều địa phương khác của tỉnh và gần đây là tại thôn Trà Nhang (xã Phước Trà, Hiệp Đức) và thôn Ga Lêê (xã Tà Bhing), thôn Pà Dấu 1 (thị trấn Thạnh Mỹ) của huyện Nam Giang. Trong khi đó, cuối tuần qua, tại Tam Kỳ, Điện Bàn, Tiên Phước, Quế Sơn, Núi Thành, Nam Trà My... lại phát sinh thêm nhiều xã, phường bị dịch gây hại.
Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến trưa hôm qua 10.6 toàn tỉnh đã có 2.074 con heo (tổng trọng lượng gần 109 tấn heo hơi) của 526 hộ chăn nuôi ở 129 thôn, khối phố thuộc 59 xã, phường của 13 huyện, thị xã, thành phố gồm: Hiệp Đức, Nam Giang, Bắc Trà My, Tiên Phước, Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh, Nam Trà My, Quế Sơn, Núi Thành, Nông Sơn, Điện Bàn, Tam Kỳ phải tiêu hủy bắt buộc vì mắc bệnh dịch tả heo châu Phi. Như vậy, với gần 109 tấn heo hơi đã bị tiêu hủy trong gần 1 tháng nay, ngân sách Nhà nước phải chi hơn 4,1 tỷ đồng để hỗ trợ cho người chăn nuôi.
Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo phòng chống dịch
Theo ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y, trong công tác phòng chống dịch những ngày qua cho thấy, ngành liên quan và chính quyền một số địa phương đã căn cứ vào đặc điểm dịch tễ của từng bệnh ở heo qua các năm (loại bệnh, đối tượng mắc bệnh, thời gian mắc bệnh) nên đã kiểm tra, xác định được đối tượng phải tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi gây hại. Nhờ vậy, đã khống chế được số lượng heo tiêu hủy trên địa bàn các xã có dịch, như huyện Duy Xuyên 50 hộ/5 xã, thị xã Điện Bàn 20 hộ/6 xã, phường. Tại huyện Thăng Bình, thời gian xuất hiện ổ dịch đầu tiên sau huyện Duy Xuyên là 7 ngày (thời điểm đó huyện Duy Xuyên đã xuất hiện 3 xã có dịch).
Chưa có vắc xin tiêm phòng bệnh
Những ngày qua, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh cho rằng, tại một số địa phương gần đây xuất hiện các đối tượng rao bán vắc xin ngừa bệnh dịch tả heo châu Phi. Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho biết, những ngày qua lực lượng chức năng của tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào rao bán vắc xin tiêm phòng bệnh dịch tả heo châu Phi. Ông Nam khẳng định: “Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa tìm ra vắc xin tiêm phòng và cũng chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh dịch tả heo châu Phi”. Theo ngành chuyên môn, muốn hạn chế thiệt hại do loại bệnh nguy hiểm này gây ra thì các ngành, các cấp cần phải siết chặt khâu kiểm soát, kiểm dịch việc vận chuyển, mua bán, giết mổ, tiêu thụ heo và các sản phẩm từ heo; đồng thời, khẩn trương tiêu hủy nhanh và đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật đối với những đàn heo đã xác định bị nhiễm dịch. Đặc biệt, thường xuyên vệ sinh môi trường, rải vôi bột và phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại, cơ sở chăn nuôi, các điểm buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo cũng như những vùng có nguy cơ cao bị mầm bệnh xâm nhiễm...
Thế nhưng, đến nay số lượng hộ có dịch của Thăng Bình là 227 hộ, tăng gần gấp 4,5 lần so với Duy Xuyên (50 hộ); số lượng xã có dịch cũng tăng gần gấp 2,5 lần, tổng trọng lượng heo tiêu hủy tăng gần gấp 3 lần so với Duy Xuyên. Trong khi đó, tại một số huyện cũng có tổng đàn heo lớn, mật độ chăn nuôi heo cao, thuộc vùng có nguy cơ phát tán mầm bệnh cao vì có tuyến quốc lộ 1 đi qua và tập trung nhiều khu công nghiệp có công nhân ở nhiều địa phương đến... nhưng bệnh dịch tả heo châu Phi lây lan với tốc độ chậm như các huyện Quế Sơn, Núi Thành.
Từ những nhận xét trên, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi & thú y cho rằng, công tác chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng, quản lý giết mổ, kiểm tra và xác định đối tượng heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh cần phải tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi ở một số địa phương còn quá hạn chế.
Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi & thú y tỉnh kiến nghị cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi cấp tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các địa phương được phân công đứng điểm; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiêu hủy heo tại các địa phương. Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh văn bản chỉ đạo trực tiếp người đứng đầu của huyện Thăng Bình về công tác chỉ đạo phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi.