Tạo thương hiệu "gà ta thả vườn"
Nhằm góp phần tăng thu nhập cho người dân, mới đây, Hội Nông dân xã Tam Thạnh (Núi Thành) ra mắt Tổ hợp tác “Nuôi gà ta thả vườn” vốn nổi tiếng lâu nay của địa phương để đưa ra thị trường.
Gà ta thả vườn ở xã miền núi Tam Thạnh có tiếng thơm ngon được thực khách nhiều nơi ưa thích. Tuy nhiên, lâu nay các hộ dân ở đây nuôi gà theo tập quán với quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao. Xuất phát từ thực tế đó, Hội Nông dân xã thành lập Tổ hợp tác “Nuôi gà ta thả vườn” Tam Thạnh. Bà Hồ Thị Ngọc Anh - Chủ tịch Hội Nông dân xã chia sẻ, việc ra mắt mô hình này nhằm cải tạo, nhân giống gà ta bản địa tại địa phương, xây dựng thương hiệu để bán ra thị trường, góp phần tăng thu nhập cho người dân miền núi.
Sau khi tổ hợp tác hình thành và đi vào hoạt động đã có một số hộ nuôi gà thả vườn với quy mô tương đối lớn. Điển hình như chị Đặng Thị Cẩm (thôn Trung Toàn) nuôi hơn 400 con gà mái, gà thịt, mua sắm máy ấp trứng, đồng thời xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh và có khu vườn rộng để thả gà nuôi. Có 11 hộ khác ở 4 thôn cũng đã tham gia tổ hợp tác nuôi gà thả vườn. Ông Phạm Văn Xứng - Tổ trưởng Tổ hợp tác “Nuôi gà thả vườn” Tam Thạnh cho biết, điều kiện, tiêu chí tham gia tổ hợp tác là hội viên nông dân có nhu cầu phát triển đàn gà ta thả vườn phải có diện tích đất vườn rộng 5.000m2 trở lên. “Bên cạnh đó, chúng tôi động viên, quán triệt các hội viên phải xây dựng chuồng trại đảm bảo quy trình kỹ thuật, bám sát những quy định về chăn nuôi, chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, tiếp thu các kỹ thuật mới và sẵn sàng tham gia vốn đối ứng, cam kết thực hiện đúng hướng dẫn của tổ hợp tác” - ông Xứng nói.
Hoạt động trên cơ sở liên kết “4 nhà”, Tổ hợp tác “Nuôi gà ta thả vườn” hoạt động dưới sự tổ chức quản lý, điều hành và bao tiêu sản phẩm của Hội Nông dân huyện và Ban Nông nghiệp, Hội Nông dân xã. Cán bộ thú y xã hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh cho đàn gà, Hội Nông dân và Ban Nông nghiệp xã hợp đồng doanh nghiệp cung cấp thức ăn, thuốc thú y... Năm 2019, mỗi thành viên Tổ hợp tác “Nuôi gà ta thả vườn” Tam Thạnh nuôi ít nhất là 200 con gà. Theo dự toán, tổng kinh phí thực hiện của toàn tổ gần 130 triệu đồng, phần lớn là vốn đối ứng của các hộ tham gia, ngân sách chỉ hỗ trợ trên 15 triệu đồng. Trong 2 năm đầu, tổ sẽ bán các sản phẩm như trứng, gà giống, gà thịt... bình quân mỗi hộ thu lãi hơn 12 triệu đồng/năm.
Bà Hồ Thị Ngọc Anh cho hay, hiện nay thu nhập từ gà thả vườn còn khiêm tốn nhưng việc thành lập Tổ hợp tác “Nuôi gà thả vườn” Tam Thạnh đã giải quyết được bài toán lao động nhàn rỗi. “Quan trọng hơn là xây dựng thương hiệu gà thả vườn Tam Thạnh đưa ra thị trường, làm thay đổi tập quán chăn nuôi cũ, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, góp phần định hướng phát triển kinh tế vườn nhà có hiệu quả và mang tính ổn định, bền vững. Đây cũng là hướng đi mới của địa phương để nhân rộng sang các hộ gia đình khác trong thời gian tới” - bà Anh nói thêm.