A Nông nỗ lực nâng chuẩn nông thôn mới
Là một xã miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, chính quyền và nhân dân xã A Nông (Tây Giang) đã tập trung phát huy thế mạnh, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần tạo nên diện mạo vùng biên khởi sắc.
Thành quả bước đầu
Nằm ở phía tây bắc của huyện Tây Giang, xã A Nông có 11,2km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Toàn xã hiện có 4 thôn gồm 224 hộ dân với tổng số 917 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Phần lớn người dân trên địa bàn sống dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp và phát triển cây bản địa có giá trị cao về kinh tế.
Năm 2019 này, xã A Nông nỗ lực thực hiện hoàn thành 2 tiêu chí theo bộ tiêu chí mới là y tế và thông tin - truyền thông gắn với việc tập trung nâng cao chất lượng tiêu chí về giao thông. Đến năm 2020, địa phương hoàn thiện 3 tiêu chí khác là hộ nghèo, tổ chức sản xuất, thu nhập. Cùng thời gian này, 2 thôn Anonh và Arớt phấn đấu đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Dự kiến, tổng nguồn kinh phí thực hiện gần 5,9 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vốn trực tiếp của chương trình NTM và lồng ghép các chương trình, dự án khác.
Trao đổi với chúng tôi, ông Yđêl Bốn - Chủ tịch UBND xã A Nông cho biết, mỗi vụ nông dân địa phương canh tác 40ha lúa, trong đó có 14ha áp dụng gói kỹ thuật tiên tiến SRI thường cho năng suất cao. Ngoài ra, phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có, nông dân trên địa bàn còn trồng 252ha cao su và một số loại cây khác như keo lai, sao đen, quế. Bên cạnh trồng trọt, chính quyền xã cùng các ngành liên quan của huyện Tây Giang cũng thường xuyên vận động người dân xóa bỏ hình thức chăn nuôi gia súc theo kiểu thả rông, chuyển sang phương thức chăn nuôi có xây dựng chuồng trại và tích lũy thức ăn cho gia súc, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Đến nay, tổng đàn gia súc của xã có gần 900 con, gia cầm hơn 2.000 con. Những năm gần đây, chính quyền địa phương triển khai thực hiện nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất - giảm nghèo bền vững, mở các lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp cho người dân, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả cho kinh tế hộ.
Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, thời gian qua xã A Nông cũng chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu. Đến nay, toàn bộ các tuyến đường chính trên địa bàn đã được mở rộng và đổ bê tông kiên cố, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thương, buôn bán của người dân. Không chỉ vậy, hệ thống điện, trường học, trạm y tế cũng được đầu tư xây dựng. Trong giai đoạn 2011 - 2014 xã A Nông huy động hơn 73 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM. Đáng ghi nhận là ngoài việc đóng góp tiền của thì người dân địa phương đã tham gia hơn 5.000 ngày công lao động và hiến nhiều diện tích đất để thi công các công trình phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh. Đồng thời nhân dân cũng tập trung chỉnh trang nhà cửa, xây dựng các công trình vệ sinh theo tiêu chuẩn NTM. Với những nỗ lực rất lớn từ nhiều phía, cuối năm 2014 xã A Nông được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM.
Nỗ lực giữ và nâng chuẩn
Tuy đã đạt được những thành tựu quang trọng, song công cuộc xây dựng NTM ở A Nông vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức... Ông Yđêl Bốn - Chủ tịch UBND xã A Nông cho biết, qua rà soát, đánh giá các tiêu chí về “Xã NTM nâng cao” theo Quyết định số 3816/QĐ-UBND (ngày 20.12.2018) của UBND tỉnh, hiện nay xã A Nông đã bị “rớt” tiêu chí số 8 về thông tin - truyền thông. Theo đó, đến nay địa phương chưa triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành công vụ, đồng thời phần mềm quản lý chuyên ngành và một cửa điện tử vẫn chưa được áp dụng. Ngoài tiêu chí về thông tin - truyền thông, hiện các tiêu chí về thu nhập, tổ chức sản xuất, y tế ở xã A Nông cũng “rớt” chuẩn theo quy định. Ông Bốn cho rằng, do bộ tiêu chí mới có nhiều chỉ tiêu, quy định cao hơn. Trong khi đó, sau khi đã đạt chuẩn 19 tiêu chí NTM, từ năm 2015 đến nay nguồn lực đầu tư của Nhà nước giảm, việc huy động vốn trong nhân dân gặp khó khăn nên xã A Nông đã bị “rớt” 4 tiêu chí NTM nêu trên.
Theo ông Bốn, thời gian đến địa phương sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt được. Cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng thiết yếu. Đồng thời huy động các nguồn vốn để nâng cấp các tiêu chí hiện đạt chỉ tiêu thấp, có nguy cơ “rớt” chuẩn. Đặc biệt, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, xã A Nông sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện khoanh vùng chăn nuôi tập trung, nâng cao năng suất cây lúa nước, chăm sóc tốt diện tích cao su đã trồng, nhân rộng mô hình trồng cây sâm ba kích dưới tán cao su. Cùng với đó, phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và tiến hành khảo sát, đưa vào trồng một số loại cây dưới tán rừng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.