Bỏ ruộng
Chủ nhật vừa rồi, Tư tôi xuống vùng đông huyện Thăng Bình tìm hiểu tình hình triển khai sản xuất vụ lúa hè thu 2019. Hơn 12 giờ trưa, nắng hầm hập, tôi tấp vào quán nước mía ven đường uống ly giải khát và tình cờ thấy anh Ba Trà Đóa ở xã Bình Đào ngồi dưới tán cây bàng đánh cờ tướng.
- Gieo sạ xong chưa mà ngồi nhịp chân, đánh cờ sướng rứa ông anh?
- Tui bỏ ruộng mấy năm nay rồi, chú Tư.
- Chu choa, làm nông mà bỏ ruộng thì lấy gạo đâu đổ nồi, anh Ba?
- Thì làm chuyện khác kiếm tiền mua gạo ăn…
Anh Ba Trà Đóa cho biết thêm, gia đình có 2 sào đất canh tác lúa. Do đất đai ở vùng này không được màu mỡ, nước tưới lại không đảm bảo nên nhiều năm qua mùa nào năng suất lúa cũng đạt thấp, nhất là trong vụ hè thu. Thấy việc sản xuất lúa không mang lại hiệu quả kinh tế, năm 2016 anh Ba quyết định bỏ ruộng và cả chồng lẫn vợ đều chọn nghề phụ hồ làm kế mưu sinh.
Ngồi trò chuyện với Tư tôi, ông Trần Thanh Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đào cho hay, những năm gần đây tình trạng nông dân bỏ ruộng hoặc suy giảm thâm canh xảy ra ngày càng nhiều ở địa phương. Riêng vụ hè thu 2019 này toàn xã có không dưới 10ha đất canh tác lúa bỏ hoang, tập trung nhiều nhất tại các thôn Trà Đóa 1, Trà Đóa 2, Vân Tiên. Nguyên nhân là việc sản xuất lúa không mang lại nguồn thu nhập cao nên thời gian qua nhiều người dân Bình Đào đã bỏ ruộng và xin vào làm nhân viên ở Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, công nhân tại các công ty may mặc đóng chân trên địa bàn huyện Thăng Bình cũng như những vùng lân cận hoặc đi làm thợ - phụ hồ…
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, ngoài Bình Đào thì mấy năm gần đây tại các xã khác thuộc vùng đông của huyện như Bình Dương, Bình Triều, Bình Giang, Bình Sa… cũng có ít nhất 30ha đất lúa thường xuyên bỏ hoang. Theo ông Hương, có một thực tế, tuy rằng nông dân không sản xuất nhưng họ không chịu giao lại ruộng cho các hợp tác xã nông nghiệp hoặc những tổ hợp tác, hộ cá thể thuê làm. Do vậy, thời gian qua việc tích tụ, tập trung ruộng đất để tổ chức sản xuất theo phương thức hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn.
Cuối tuần qua, tại cuộc làm việc với đoàn giám sát HĐND tỉnh, ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cũng cho biết, hiện nay ở nhiều địa phương của Điện Bàn, nhất là khu vực vùng đông, tình trạng nông dân bỏ ruộng hoặc suy giảm thâm canh cũng diễn ra khá nhiều. Theo ông Hiếu, sắp tới UBND thị xã Điện Bàn sẽ yêu cầu ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương phối hợp khảo sát thực tế, thống kê cụ thể số diện tích đất lúa thường xuyên bỏ hoang. Từ đó đưa ra hướng giải quyết căn cơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác… thực hiện những mô hình tích tụ ruộng đất nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn.