Duy Xuyên gồng mình chống dịch
(QNO) - Mặc dù chính quyền các địa phương và lực lượng thú y ở huyện Duy Xuyên đã gấp rút triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp đối phó với dịch tả heo châu Phi (DTHCP) nhưng vi rút gây bệnh vẫn tiếp tục lan rộng.
Mầm bệnh phát tán mạnh
Ngay sau khi phát hiện đàn heo của ông Nguyễn Như Tiến ở thôn Hòa Lâm (xã Duy Trung) xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, bỏ ăn, toàn thân đỏ ửng, đi đứng loạng choạng, xuất huyết vùng bẹn - bụng, máu chảy ra mũi..., ngày 29.5 lực lượng thú y huyện Duy Xuyên và chính quyền địa phương tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi ra Chi cục Thú y vùng IV trực thuộc Cục Thú y Trung ương (đóng tại TP.Đà Nẵng) nhờ xét nghiệm.
Kết quả cho thấy, đàn heo 23 con với tổng trọng lượng 925kg của ông Tiến dương tính với vi rút gây bệnh DTHCP. Lập tức, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy khẩn cấp toàn bộ số heo vừa nêu. Ông Trần Năm - Chủ tịch UBND xã Duy Trung cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định là mầm bệnh lây lan thông qua việc cho heo ăn thức ăn thừa từ các hàng quán chưa qua nấu chín, không thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun tiêu độc chuồng trại.
Trao đổi với phóng viên lúc 10 giờ sáng nay 1.6, ông Nguyễn Văn Tôi - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Duy Xuyên cho biết, đến thời điểm hiện tại, bệnh DTHCP đã xuất hiện trên địa bàn 13 thôn thuộc 4 xã Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Thành, Duy Trung khiến 184 con heo (tổng trọng lượng hơn 9,4 tấn hơi) bị nhiễm bệnh, buộc phải tiêu hủy khẩn cấp.
Ông Tôi nhìn nhận: “DTHCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết lên đến 100%. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ trong nông hộ, công tác vệ sinh môi trường và phun tiêu độc chuồng trại không được thực hiện thường xuyên. Trong khi đó, vắc xin phòng bệnh vẫn chưa có, sự lưu thông của con người, phương tiện rất phức tạp, yếu tố thời tiết thuận lợi cho vi rút tồn tại và phát triển nên thời gian tới khả năng bệnh bùng phát tại các xã lân cận là rất cao”.
Tập trung đối phó
Để ngăn chặn bệnh DTHCP lây lan ra diện rộng, những ngày qua chính quyền xã Duy Trung huy động nhân lực và phương tiện triển khai phun 30 lít hóa chất tiêu độc khử trùng trên toàn địa bàn. Đồng thời cấp phát 2,5 tấn vôi bột để các hộ chăn nuôi sát khuẩn môi trường nhằm hạn chế nguy cơ vi rút gây bệnh phát tán. Cạnh đó, UBND xã quyết định thành lập 3 tổ chốt chặn với 12 thành viên tại 3 địa điểm gồm thôn Trung Đông, An Thành, An Hòa.
Tại thị trấn Nam Phước, ông Văn Bá Thanh - Chủ tịch UBND thị trấn cho biết, đến thời điểm này trên địa bàn chưa xuất hiện bệnh DTHCP nhưng địa phương chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp đối phó. “Qua thống kê, tổng đàn heo của thị trấn Nam Phước hiện giờ chỉ hơn 600 con. Tuy nhiên, tại địa phương có tới 17 cơ sở giết mổ gia súc, chủ yếu là heo. Hầu hết cơ sở này đều nhập heo từ các tỉnh phía Bắc và phía Nam về giết mổ nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức, UBND thị trấn Nam Phước đã nhanh chóng củng cố, thành lập 4 tổ phòng chống bệnh DTHCP. Đồng thời tổ chức 3 đợt phun hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường trên phạm vi rộng” - ông Thanh nói.
Tại cuộc họp liên quan đến công tác phòng chống bệnh DTHCP do UBND huyện Duy Xuyên tổ chức vào chiều qua 31.5, ông Nguyễn Bốn - Phó Chủ tịch UBND huyện yêu cầu ngành chức năng và chính quyền các địa phương tập trung nguồn lực xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhiễm bệnh theo đúng quy định.
Cạnh đó, vận động các cơ sở giết mổ trong thời gian dịch bệnh tạm thời không giết mổ. Lập bản cam kết với từng hộ chăn nuôi về việc thực hiện nguyên tắc “5 không”: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ heo bệnh; không vứt xác heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt để nuôi heo; không điều trị heo nghi mắc bệnh DTHCP.
“Cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về diễn biến của dịch bệnh và hướng dẫn hộ dân, các chủ trang trại, gia trại các biện pháp vệ sinh, tiêu độc phòng bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học trên hệ thống loa truyền thanh, nhất là chủ trương của tỉnh về cơ chế hỗ trợ heo mắc bệnh DTHCP. Đồng thời phải thống kê, lập danh sách từng hộ có heo bị tiêu hủy để sớm hỗ trợ theo quy định là 38.000 đồng/kg hơi” - ông Bốn nói.
Ông Bốn nhấn mạnh, những xã đã xuất hiện dịch thì tuyệt đối không buôn bán thịt heo, nếu phát hiện phải tịch thu, tiêu hủy. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch tại các vùng lân cận để có biện pháp ngăn chặn, ứng phó kịp thời, không chủ quan trong công tác phòng chống dịch, tiếp tục duy trì các điểm chốt chặn. Một vấn đề nữa là, hiện nay địa điểm chôn lấp động vật rất ít nên các địa phương phải khảo sát, đào hố sẵn để phục vụ công tác chống dịch.