Phát triển thương hiệu ba kích tím
Năm 2017, Hợp tác xã (HTX) Thiên Bình (xã Lăng, Tây Giang) được thành lập, bước đầu là “chỗ dựa” của nông dân, góp phần bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý và tạo ra sản phẩm từ cây ba kích tím được người tiêu dùng ưa chuộng.
Vườn ươm cây ba kích của HTX Thiên Bình, xã Lăng. Ảnh: H.L |
HTX kiểu mới ở miền núi
HTX Thiên Bình là một trong số HTX kiểu mới đầu tiên ở Tây Giang, được thành lập từ sự phát triển của Tổ hợp tác Chơ Chim, chuyên tổ chức ươm giống và sản xuất cây ba kích tím theo hợp đồng liên kết. Từ ra đời đến nay, HTX đã không ngừng phát triển, đến nay số thành viên là 11, phần lớn là người Cơ Tu. HTX hiện có vườn ươm giống ba kích rộng 1.500m2, có thể ươm tạo 400.000 cây giống ba kích tím mỗi năm, phát triển vùng trồng cây ba kích tím trên 6ha. Năm 2018, qua tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, dự án BCC và cùng với nguồn vốn đóng góp của các thành viên, HTX đã đầu tư nhà làm việc, khu vực sơ chế, quầy trưng bày sản phẩm tại xã Lăng (760 triệu đồng). HTX đưa vào thu hoạch đại trà hom giống để phát triển nguồn giống bản địa; mở rộng thêm 6ha theo cơ chế của tỉnh về trồng và bảo tồn cây ba kích. Trang thông tin điện tử của HTX cũng ra đời tại địa chỉ: htxthienbinh.vn để tiếp cận với khách hàng tiềm năng.
Theo ông Nguyễn Bá Hiển - Giám đốc HTX, đến nay, các thành viên HTX đã dần thay đổi nhận thức, tuân thủ các quy trình kỹ thuật canh tác, xây dựng nhật ký vườn trồng ba kích, làm cơ sở cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hướng tới sản xuất bền vững. HTX đã đầu tư hệ thống tưới tự động cho cây ba kích từ việc dẫn nước đầu nguồn, phục vụ trồng thâm canh cây ba kích cho năng suất, sản lượng cao hơn cách thức canh tác truyền thống. HTX đầu tư mua sắm 4 loại máy móc phục vụ sơ chế, rửa nông sản; máy ngâm ủ và lọc rượu ba kích, đẳng sâm; máy sấy nông sản (chè dây, măng rừng, thịt heo). Ông Hiển chia sẻ, là HTX đầu tiên của huyện Tây Giang hoạt động theo Luật Hợp tác xã kiểu mới năm 2012, Thiên Bình xác định, trước hết, HTX phải là “điểm tựa” để các thành viên có cuộc sống ổn định, thay đổi tư duy xây dựng và phát triển sản phẩm cây dược liệu hàng hóa. “Phần lớn thành viên người đồng bào Cơ Tu, không có vốn nên HTX phải đứng ra vay mượn nhiều tỷ đồng, hỗ trợ xã viên chi phí hằng ngày trong suốt thời gian triển khai mô hình. Chặng đường đi rất gian nan, phải mất 4 - 5 năm gầy dựng mới đâu vào đấy được” - ông Hiển nói.
Xây dựng sản phẩm OCOP
HTX Thiên Bình đang hướng tới tạo nguồn giống ba kích thương phẩm, giúp hạ giá thành nguyên liệu ba kích tím còn 150 - 200 nghìn đồng/kg tươi (giá thành hiện nay là 400 - 500 nghìn đồng/kg), tạo sản phẩm ba kích nấu cao để ai cũng có thể sử dụng. “Giá thành ba kích tím quá cao không phải người tiêu dùng nào cũng có thể tiếp cận được nên HTX quyết tâm tạo sản phẩm nhiều, chỉ có nguồn nguyên liệu dồi dào thì mới có thể hạ giá thành, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp chế biến sâu về cây dược liệu” - ông Nguyễn Bá Hiển chia sẻ.
Mục tiêu giai đoạn 2018 - 2020 của HTX là hoàn thiện công nghệ sản xuất cao ba kích, nhằm tạo sản phẩm cao có công dụng kích thích vị giác, giúp tiêu hóa tốt, ngủ ngon và giúp tăng cường sinh lực. Sản phẩm sẽ được đóng chai, gắn tem, nhãn mác lưu thông trên thị trường, đồng thời đưa sản phẩm cao ba kích tím trở thành sản phẩm OCOP của Tây Giang. “Chúng tôi đã sản xuất thử nghiệm thành công, với 10kg ba kích tươi, chúng tôi đã cho ra 800g cao ba kích. Sản phẩm có thể dùng để pha với rượu trắng nguyên chất hoặc pha vào nước ấm dùng bồi bổ sức khỏe. HTX cũng hướng tới việc đăng ký chất lượng sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu, logo, mã vạch, thiết kế bao bì, chai lọ đựng cao ba kích bắt mắt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và sản phẩm dự kiến sẽ được đưa tới tay người tiêu dùng từ năm 2020.
Ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang chia sẻ, HTX Thiên Bình ra đời 2 năm nay, hiện có 11 thành viên, hầu hết là người Cơ Tu. Đặc biệt, nhờ sự năng động của ông Nguyễn Bá Hiển - Giám đốc HTX, Thiên Bình đã nhanh chóng tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện nên đang trên đà phát triển mạnh. Việc chọn hướng đi sản xuất, chế biến dược liệu (hướng đến chế biến sâu) phát huy lợi thế sẵn có tại địa phương, giải quyết việc làm tại chỗ là hướng đi bền vững. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ HTX phát triển theo đúng Luật Hơp tác xã 2012, xem đây là điển hình để nhân rộng.
HOÀNG LIÊN