Phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi
Để ứng phó với nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn gia súc, gia cầm, Đại Lộc đẩy mạnh các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, nâng tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi, chấn chỉnh kiểm soát giết mổ (KSGM) gia súc, gia cầm.
Phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là nhiệm vụ được huyện Đại Lộc chú trọng. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Kiểm soát, ngăn dịch lây lan
Năm 2018, Đại Lộc xảy ra 5 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc tại 5 xã là Đại Hiệp, Đại Hồng, Đại Tân, Đại Chánh và thị trấn Ái Nghĩa với 4 con trâu, 68 con bò và 3 heo nái mắc dịch chủng virus LMLM Typ0, chủ yếu gây hại cho đàn trâu bò. Cuối năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, Đại Lộc xảy ra 17 ổ dịch LMLM ở gia súc tại 10 địa phương (Đại Hiệp, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Cường, Đại Minh, Đại Phong, Đại Thắng, Đại Chánh, Đại Tân, Đại Hồng và Đại Lãnh) với 17 thôn có dịch, 33 hộ có 2 trâu, 1 bò và 211 heo bị dịch LMLM, chủ yếu trên đàn heo gây tổn thất nặng nề cho ngành chăn nuôi, khiến công tác phòng chống, dập dịch gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, dịch tả heo châu Phi đang lây lan mạnh ở nhiều tỉnh phía Bắc nước ta, đòi hỏi công tác phòng chống, ứng phó với dịch bệnh khẩn trương, đồng bộ.
Đại Thắng là một trong những xã xuất hiện dịch LMLM đầu tháng 1.2019. Dịch LMLM xuất hiện và bùng phát trên đàn heo của hộ ông Trần Công Nghĩa (thôn Xuân Đông) khiến 2 con heo bị chết. Ngành chức năng đã kiểm tra, lấy mẫu và buộc tiêu hủy đàn heo gồm 22 con của hộ ông Nghĩa, khoanh vùng, ngăn dịch lây lan, bùng phát. Ông Trần Công Phụng - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thắng phân tích, do phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, khiến công tác chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, đội ngũ thú y cơ sở mỏng; mức trợ cấp cho trưởng thú y xã còn thấp dưới mức tối thiểu nên nhiều người không toàn tâm toàn ý cho công việc... Thứ ba là ý thức của người dân còn hạn chế, vẫn còn tình trạng xác chết của gia súc gia cầm không được tiêu hủy mà vứt bừa bãi, đây chính là nguồn lây lan nhanh nhất, khó quản lý nhất… Một khó khăn nữa là công tác thông tin về tình hình dịch bệnh chưa kịp thời; mức hỗ trợ đối với vật nuôi sau tiêu hủy thấp; vẫn còn trường hợp giấu bệnh...
Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm của huyện đã được thành lập, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên chịu trách nhiệm ở các địa phương mà mình phụ trách để tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch… Huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền vận động nhân dân nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, vận động nhân dân thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua gia súc, gia cầm mắc bệnh, sản phẩm từ gia súc, gia cầm mắc bệnh đưa về thôn, khu phố; không tự ý vận chuyển gia súc, gia cầm mắc bệnh ra khỏi vùng có ổ dịch; không vứt xác gia cầm bừa bãi). Chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân khi phát hiện gia súc, gia cầm chết không rõ nguyên nhân, người dân phải kịp thời báo ngay cho trưởng thôn, khu phố và nhân viên thú y. UBND huyện chỉ đạo các địa phương cần triển khai thực hiện có hiệu quả việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt hơn 80% tổng đàn. Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn đăng ký và cung ứng vắc xin tiêm phòng theo nhu cầu địa phương, đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Ngoài 2 đợt tiêm phòng định kỳ (đợt 1 bắt đầu từ tháng 2,3 và đợt 2 từ tháng 8,9), cần tiêm phòng bổ sung, tiêm phòng đột xuất khi có dịch bệnh xuất hiện...
Tăng cường kiểm soát giết mổ
Đại Lộc hiện có 3 cơ sở giết mổ tập trung ở 3 vùng: Đại Lãnh, Đại Thắng và thị trấn Ái Nghĩa. Việc thực hiện kiểm soát giết mổ (KSGM) do Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện hợp đồng nhân viên thú y đủ điều kiện, có chứng chỉ KSGM qua đào tạo trực tiếp làm công tác KSGM. Riêng các điểm giết mổ được sắp xếp theo phương án của huyện và các điểm giết mổ tại nhà, không thực hiện công tác KSGM. Việc giết mổ hàng đêm tại các điểm giết mổ rất ít, cơ sở giết mổ ở Đại Lãnh hầu như không hoạt động. Cơ sở giết mổ ở Đại Thắng chỉ 8 - 10 con heo/đêm, thị trấn Ái Nghĩa 60 - 80 con heo/đêm.
Chia sẻ về tồn tại ở điểm giết mổ tập trung tại xã Đại Lãnh, ông Nguyễn Quốc Thận - Phó Chủ tịch UBND xã cho rằng, công tác KSGM với lò giết mổ tập trung gặp rất nhiều khó khăn, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ các địa phương khác như Đại Sơn, Đại Hưng thì công tác KSGM mới thuận lợi. “Nhiều lần xã đã gửi giấy mời yêu cầu số hộ ở 2 xã Đại Hưng và Đại Sơn vào điểm giết mổ tập trung ở Đại Lãnh. Địa phương đã lập đoàn kiểm tra, kiểm soát, làm rất gắt gao nhưng các hộ giết mổ ở Đại Sơn và Đại Hưng chỉ xuống điểm giết mổ tập trung 2 đêm, rồi đâu lại vào đấy. Nếu làm quyết liệt, mỗi đêm có 10 con heo được giết mổ tại lò. Xã Đại Lãnh từng có công văn gửi đến Trại giam An Điềm, yêu cầu đơn vị này đưa gia súc, gia cầm vào điểm giết mổ tập trung nhưng đơn vị này vẫn chưa chấp hành” - ông Thận nói. Vì thế, xã đã kiến nghị huyện và ngành chức năng cần có sự quan tâm, chỉ đạo, kiểm soát gắt gao, có hình thức xử phạt đủ sức răn đe đối với các chủ hộ giết mổ nhỏ lẻ ở gia đình, khu dân cư, đảm bảo các hộ giết mổ phải vào cơ sở giết mổ tập trung nhằm kiểm soát dịch bệnh, chấm dứt tình trạng giết mổ chui hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hồ Ngọc Mẫn nhấn mạnh, công tác quản lý, điều hành các hoạt động giết mổ, kinh doanh giết mổ động vật cần được siết chặt. Phòng NN&PTNT phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu UBND huyện trong việc quy hoạch, nâng cấp, sửa chữa các điểm giết mổ tập trung, bố trí các điểm giết mổ tạm thời, có phương án xóa bỏ các điểm giết mổ trái phép tại nhà ở các địa phương, đảm bảo cơ sở khoa học, có khả năng bố trí nhân lực, vật lực để điều hành các hoạt động ở các cơ sở này một cách xuyên suốt. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động giết mổ, kiểm soát động vật, sơ chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và vệ sinh thú y trên địa bàn, các chợ, điểm mua bán nhỏ lẻ, cơ sở chăn nuôi tập trung...
HOÀNG LIÊN