Ứng phó bệnh dịch tả heo châu Phi
Trước sự lây lan nhanh và mức độ gây hại lớn của bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP), mặc dù chưa có dấu hiệu xuất hiện mầm bệnh nhưng trong những ngày qua các ngành, các cấp, đặc biệt là người chăn nuôi ở Quảng Nam đã tập trung triển khai nhiều biện pháp cấp bách nhằm chủ động ứng phó với loại dịch cực kỳ nguy hiểm này.
Chăn nuôi heo nhỏ lẻ trong nông hộ với mật độ cao và không đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ tiềm ẩn nguy cơ bệnh DTHCP tấn công. Ảnh: VĂN SỰ |
TIỀM ẨN NGUY CƠ XÂM NHIỄM
Theo ngành chuyên môn, DTHCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng phát tán nhanh và mức độ gây hại hết sức nghiêm trọng. Trước những tồn tại đã và đang xảy ra trong công tác phòng dịch, nguy cơ mầm bệnh xâm nhiễm vào địa bàn Quảng Nam thời gian tới là rất cao.
Bệnh cực kỳ nguy hiểm
Theo thông tin mới nhất từ Cục Thú y Trung ương, tính đến cuối tuần qua bệnh DTHCP đã xuất hiện tại 12 tỉnh, thành phố ở khu vực phía Bắc nước ta. Mới đây, phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống dịch, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, bệnh DTHCP có tên tiếng Anh là African swine fever - ASF. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên tất cả các loài heo, kể cả heo nhà và heo hoang dã. Bệnh xảy ra ở mọi loại heo với mọi lứa tuổi, gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết lên đến 100%. “Vi rút gây bệnh DTHCP lan truyền rất nhanh bằng nhiều con đường, nhiều hình thức. Hiện nay, trên thế giới chưa tìm ra vắc xin phòng, chống loại bệnh này. Nếu không khống chế được thì chắc chắn sẽ gây tổn hại về kinh tế rất lớn” - ông Cường cảnh báo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho hay, vi rút gây bệnh DTHCP lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt heo nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn. Theo ông Nam, bệnh DTHCP có thời gian ủ bệnh từ 3 - 15 ngày, ở thể cấp tính thì thời gian ủ bệnh chỉ từ 3 - 4 ngày. Vi rút DTHCP được tìm thấy trong máu, dịch bài tiết từ heo nhiễm bệnh và heo chết do bệnh này. Heo sau khi khỏi bệnh sẽ ở thể mãn tính có thể mang vi rút suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra bệnh DTHCP. Vi rút DTHCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt heo và các chế phẩm từ thịt heo như xúc xích, dăm bông. Vi rút có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt heo sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao nên vi rút có thể chịu được trong thời gian dài 3 - 6 tháng; vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 560C trong 70 phút hoặc ở 600C trong 20 phút... “Theo báo cáo của Cục Thú y Trung ương, tại Trung Quốc, nghiên cứu dịch tễ của 68 ổ dịch đã phát hiện 3 nguyên nhân chính làm bệnh DTHCP lây lan là phương tiện vận chuyển và con người không được thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc (chiếm 46%); sử dụng thức ăn thừa (chiếm 34%); vận chuyển heo sống và các sản phẩm của heo giữa các vùng (chiếm 20%)” - ông Nam nói thêm.
Nguy cơ xâm nhiễm cao
Theo ông Nguyễn Sửu - Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn, tính đến thời điểm này tổng đàn heo trên địa bàn huyện là 32.000 con. Trong tổng số heo vừa nêu thì khoảng 80% được nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, phần lớn không đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Không riêng Quế Sơn, tình trạng trên cũng phổ biến ở rất nhiều địa phương khác của tỉnh. Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật cấp tỉnh mới đây, ông Nguyễn Thành Nam cho biết, hiện nay đàn heo của Quảng Nam không dưới 500.000 con. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy mô chăn nuôi heo của tỉnh chủ yếu là nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao và khó hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp phòng bệnh, nhất là khâu vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tôi - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Duy Xuyên cho hay, trước đây trên địa bàn huyện có ít nhất 3 cơ sở giết mổ heo tập trung. Thế nhưng, do hoạt động không hiệu quả nên từ năm 2017 đến nay số cơ sở giết mổ tập trung này đã đóng cửa. Hiện Duy Xuyên có không dưới 25 điểm giết mổ heo nhỏ lẻ nằm rải rác trong các khu dân cư, không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y và an toàn vệ sinh thực phẩm. “Qua thống kê sơ bộ, hằng đêm số điểm giết mổ nhỏ lẻ nêu trên giết thịt khoảng 50 con heo. Thế nhưng, thời gian qua khâu kiểm dịch đầu vào và kiểm soát đầu ra của sản phẩm tại những cơ sở này gần như bị thả nổi hoàn toàn” - ông Tôi nói. Ông Nguyễn Thành Nam nhìn nhận, hiện nay hoạt động giết mổ heo không đúng địa điểm do ngành chuyên môn và chính quyền cơ sở bố trí, nhân viên thú y làm công tác kiểm soát giết mổ không thực hiện kiểm tra theo quy trình trước giết mổ... diễn ra ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đây thực sự là một mối nguy lớn trước tình hình bệnh DTHCP đang ngày càng uy hiếp.
Ngoài những tồn tại lớn vừa đề cập, lãnh đạo ngành thú y tỉnh cũng đã nêu ra rất nhiều yếu tố khác dẫn đến bệnh DTHCP có nguy cơ cao xâm nhiễm vào địa bàn Quảng Nam trong thời gian tới. Cụ thể, hiện nay tình trạng sử dụng thực phẩm thừa trong chăn nuôi, tận dụng thức ăn thừa ở các nhà hàng - nơi có nhiều khách du lịch khá phổ biến, nhất là các hộ chăn nuôi heo ở những địa phương giáp ranh với TP.Đà Nẵng. Bên cạnh đó, do bệnh DTHCP không lây nhiễm, gây bệnh ở người nên rất nhiều người dân chủ quan, lơ là trong khâu phòng dịch. Đặc biệt, không ít người vì lợi ích trước mắt, nên vẫn buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo không rõ nguồn gốc làm cho dịch bệnh có điều kiện lây lan, khó kiểm soát. “Nguy cơ bệnh DTHCP xâm nhiễm vào địa bàn Quảng Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ heo, sản phẩm của heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y, nhất là nhập heo từ các tỉnh phía Bắc là rất cao. Không loại trừ một số tỉnh thường xuyên vận chuyển, nhập heo vào Quảng Nam có thể đang có DTHCP nhưng chưa phát hiện được hoặc chưa báo cáo, thông tin chính thức nên vẫn kiểm dịch vận chuyển heo làm lây lan dịch bệnh” - ông Nguyễn Thành Nam nhận định.
NGUYỄN SỰ
THỊ TRƯỜNG LAO ĐAO
Thị trường thịt heo Quảng Nam đang chịu chi phối lớn dưới tác động xấu của DTHCP trên phạm vi cả nước và bệnh lở mồm long móng của đàn gia súc trên địa bàn tỉnh.
Ngành chức năng khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng thịt heo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Ảnh: QUANG VIỆT |
Hộ nuôi heo khốn đốn
Gia đình ông Trịnh Văn Thoan (thôn Phú Ngọc, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) đang lo lắng vì đàn heo gần 15 con đã đến kỳ xuất bán nhưng giá heo hơi đã giảm xuống dưới 40 nghìn đồng/kg. “Chúng tôi phải tốn 42 nghìn đồng để được 1kg heo hơi nhưng giá xuống thấp thế này chắc chắn lỗ. Không những thế, chúng tôi đã gọi tư thương năm lần bảy lượt nhưng họ không đến mua heo. Chưa kể, bệnh lở mồm long móng trên đàn heo xuất hiện ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã gây áp lực lớn. Mặc dù chủ động phòng chống bệnh nhưng làm sao có thể chắc chắn đàn heo của mình không bị bệnh lở mồm long móng tấn công” - ông Thoan nói.
Nhiều người nuôi heo ở các thôn Phú Quý, Quý Thượng, Ngọc Mỹ thuộc xã Tam Phú như ngồi trên lửa vì heo đến kỳ xuất bán nhưng tư thương không muốn mua. Trao đổi với chúng tôi, ông M. (phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) - tư thương buôn heo có tiếng cho biết, người tiêu dùng đang ngại ăn thịt heo nên rất khó mua heo về mổ để cung cấp đến những đầu mối ở các chợ trên địa bàn TP.Tam Kỳ. “Mọi khi chúng tôi mổ hàng chục con heo để cung cấp cho các tiểu thương bán ở chợ mỗi ngày. Từ khi đàn heo trên địa bàn tỉnh xuất hiện bệnh lở mồm long móng và DTHCP xảy ra ở nhiều địa phương trên toàn quốc thì nhu cầu ngày một ít hơn nên chúng tôi không dám mua nhiều về mổ” - ông M. nói.
Ngại thịt heo
Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường ở các huyện, thị xã, thành phố tăng cường bố trí lực lượng bám sát địa bàn, chủ động nắm bắt thông tin nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp mua bán, vận chuyển heo, thịt heo, nội tạng heo kém chất lượng, không đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát môi trường, cảnh sát giao thông đẩy mạnh tuần tra trên các tuyến đường để chủ động xử lý những phương tiện vận chuyển heo, thịt heo, nội tạng heo hôi thối, mất vệ sinh, không rõ nguồn gốc... |
Khảo sát của chúng tôi ở nhiều chợ trên địa bàn tỉnh cho thấy người tiêu dùng đang có tâm lý ngại mua thịt heo trong những ngày qua. Ở chợ Hà Lam (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình), quầy bán thịt heo sạch của Công ty Sản xuất - chế biến thực phẩm Quảng Nam (thôn Ngọc Sơn Đông, xã Bình Phục, Thăng Bình) thi thoảng mới có người đến hỏi mua. Chị Nguyễn Thị Luyến - nhân viên bán thịt heo của Công ty Sản xuất - chế biến thực phẩm Quảng Nam cho biết, từ khi thông tin có bệnh lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh đến nay, sức mua thịt heo giảm mạnh. “Trước đây, chúng tôi bán hàng chục ký thịt heo mỗi ngày thì gần đây chỉ bán được vài ký” - chị Luyến nói. Đáng nói, thịt heo được bán của công ty nói trên lại không hề có dấu kiểm dịch. Còn chị Nguyễn Thị Mận - chủ quầy bán thịt heo ở xã Bình Quý, Thăng Bình cho hay: “Trước đây, cán bộ thú y ở xã được cấp dấu đóng kiểm dịch nhưng trong mấy tháng qua, họ không còn dấu kiểm dịch nữa. Chúng tôi cũng chẳng thấy cán bộ nào đến hỏi nguồn gốc xuất xứ của heo và đóng dấu kiểm dịch”. Tìm hiểu ở chợ Hội An vào cuối tuần qua, chúng tôi nhận thấy nhiều quầy bán thịt heo đã nghỉ. Một số quầy bán với số lượng rất ít.
Ông Trần Bốn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản cho biết, kiểm dịch thịt heo là vấn đề nhạy cảm trong những ngày qua. “Đóng dấu kiểm dịch thuộc chức năng của Chi cục Chăn nuôi & thú y nhưng trong các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm liên ngành, chúng tôi thấy có quá nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, thịt heo được bày bán tràn lan nhưng không hề có dấu kiểm dịch. Vấn đề này khiến người tiêu dùng không biết chất lượng thịt heo thế nào” - ông Trần Bốn nói.
Được biết, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản, đang phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để tăng cường kiểm soát chất lượng thịt heo trên địa bàn tỉnh, bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, khuyến cáo người tiêu dùng không nên dùng thịt heo không được tươi, không được dùng thịt heo có dấu hiệu tím tái, miếng thịt nhão. Đặc biệt, không được ăn các sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc xuất xứ, heo ốm chết, nội tạng chưa nấu chín, tiết canh. Nếu nhận thấy các trường hợp bất thường, nên báo ngay đến các cơ quan chức năng để xử lý, tiêu hủy. Mặt khác, người dân cũng không nên có thái độ quá cực đoan mà quay lưng trước thông tin heo bị dịch bệnh.
VIỆT NGUYỄN
CẤP BÁCH NGĂN CHẶN DỊCH
Lo sợ bệnh DTHCP xâm nhiễm, nửa tháng trở lại đây các chủ trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ của tỉnh tập trung cao độ cho công tác vệ sinh môi trường. Trong khi đó, các ngành, các cấp nỗ lực ngăn chặn nguy cơ mầm bệnh từ các địa phương thuộc khu vực phía Bắc lây lan vào địa bàn Quảng Nam.
Thời gian tới, ngành liên quan và chính quyền các địa phương sẽ siết chặt khâu kiểm soát giết mổ heo. Ảnh: VĂN SỰ |
Chủ động vào cuộc
Ông Võ Ngọc Sơn - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp & dịch vụ Duy Đại Sơn (đóng tại thôn Phú Nhuận 2, Duy Tân, Duy Xuyên) cho biết, hiện trang trại của đơn vị đang thả nuôi 1.000 con heo thịt và 600 con heo nái. Theo ông Sơn, từ khi có thông tin bệnh DTHCP xuất hiện tại các tỉnh, thành phố ở khu vực phía Bắc, HTX đã gấp rút thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng dịch. “Trong 2 tuần qua, HTX tuyệt đối không cho người lạ vào khu vực trang trại chăn nuôi heo. Tất cả đội ngũ cán bộ kỹ thuật và nhân công được yêu cầu ở lại trang trại chứ không về nhà. Toàn bộ các tuyến đường nội bộ trong khu vực trang trại được chúng tôi rải vôi bột một lớp rất dày. Những chiếc xe tải chở thức ăn cũng như các loại vật tư khác buộc phải dừng lại phía ngoài khuôn viên và các nhân công tiến hành trung chuyển vào bên trong. Đặc biệt, HTX đã mua khẩn cấp 4 tấn hóa chất Benkocid và Iodine để thực hiện việc phun tiêu độc sát trùng chuồng trại, quanh khuôn viên với tần suất mỗi ngày 2 lần” - ông Sơn nói.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Duy Xuyên, từ giữa tháng 2.2019 đến nay 8 trang trại chăn nuôi heo với số lượng lớn khác nằm trên địa bàn các xã Duy Hòa, Duy Châu, Duy Sơn, Duy Trung... thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch. Các gia trại có quy mô vừa - nhỏ và phần lớn hộ chăn nuôi heo cá thể cũng tập trung cao độ cho công tác vệ sinh môi trường, phun hóa chất tiêu độc khử trùng. Ông Nguyễn Văn Tôi - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Duy Xuyên nói: “Gần 1 tháng nay, chúng tôi đã cấp cho chính quyền 14 xã, thị trấn 283 lít hóa chất để tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại các gia trại, hộ chăn nuôi heo cá thể, những điểm giết mổ heo... Đồng thời, UBND huyện xuất hơn 50 triệu đồng mua thêm 300 lít hóa chất về chi viện tiếp cho các địa phương để duy trì thường xuyên khâu này”.
Ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho biết, nhằm ngăn chặn nguy cơ bệnh DTHCP xuất hiện và đe dọa tổng đàn heo 500.000 con của tỉnh, ngoài 1.000 lít hóa chất do ngành nông nghiệp cấp, từ sau Tết Kỷ Hợi đến nay các địa phương đã chủ động xuất kinh phí mua thêm hóa chất, vôi bột để tiêu độc khử trùng. Được sự thống nhất của UBND tỉnh, hiện Sở NN&PTNT khẩn trương tìm nhà cung ứng để mua thêm 800 triệu đồng tiền hóa chất về chi viện tiếp.
Siết chặt nhiều khâu
Theo lãnh đạo ngành thú y, được sự thống nhất của UBND tỉnh, hiện nay đơn vị đang khẩn trương xúc tiến việc tham mưu thành lập lực lượng kiểm tra liên ngành cấp tỉnh và thiết lập 2 điểm chốt chặn trên tuyến quốc lộ 1 ở 2 đầu của tỉnh để siết chặt khâu kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, nhất là heo ra vào địa bàn Quảng Nam. Trong khi đó, trong Công điện số 02/CĐ-UBND (ngày 6.3.2019), UBND tỉnh đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khi cần thiết thì xem xét thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với heo, sản phẩm từ heo ra vào địa bàn cấp huyện... |
Ông Phan Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1 (Quế Sơn) cho biết, chợ heo Bà Rén nằm trên địa bàn xã là chợ đầu mối lớn nhất khu vực miền Trung. Hằng ngày, có hơn 200 thương lái và người dân từ khắp nơi đưa khoảng 800 - 1.000 con heo sữa, heo choai đến chợ này bán. “Để hạn chế nguy cơ xâm nhiễm bệnh, hơn 1 tháng nay, sau mỗi buổi chợ, các đơn vị liên quan tiến hành thu gom rơm rạ, rác đem đốt và dùng vôi bột rải khắp khu vực chợ. Hằng tuần, địa phương tiến hành phun hóa chất tiêu độc khử trùng trên diện rộng. Thường xuyên tuyên truyền về bệnh DTHCP tại chợ và yêu cầu thương lái cũng như người dân khi phát hiện heo có dấu hiệu nhiễm bệnh phải cấp báo cho thú y xã và Ban quản lý chợ để có hướng xử lý kịp thời...” - ông Thành nói. Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho biết, những ngày tới đơn vị sẽ cắt cử đội ngũ cán bộ kỹ thuật tăng cường khâu kiểm tra, giám sát lâm sàng tại các chợ heo Bà Rén, Hà Lam để kiểm soát tình hình.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, hiện nay tại địa phương có 3 cơ sở giết mổ heo tập trung và hơn 30 điểm giết mổ heo nhỏ lẻ; bình quân mỗi đêm giết thịt ít nhất 300 con heo để cung ứng sản phẩm ra thị trường. Được biết 3 cơ sở giết mổ heo tập trung nằm trên địa bàn các xã Điện Quang, Điện Thọ và phường Điện Ngọc cơ bản thực hiện tốt công tác kiểm soát giết mổ. Thế nhưng, hơn 30 điểm giết mổ heo nhỏ lẻ không đảm bảo yêu cầu, gần như thả nổi khâu này. “Để khắc phục tình trạng trên, chính quyền thị xã Điện Bàn vừa củng cố lực lượng liên ngành gồm cán bộ phụ trách lĩnh vực nông nghiệp, công an, quản lý thị trường, thú y. Lực lượng liên ngành này sẽ phối hợp với chính quyền các xã, phường kiểm soát việc giết mổ heo theo phương thức định kỳ và đột xuất. Nếu phát hiện vi phạm, sẽ cương quyết xử lý nghiêm” - ông Chơi nói. Theo ông Nguyễn Thành Nam, trước đây, khâu kiểm soát điểm giết mổ do cán bộ thú y cấp xã phụ trách. Thời gian tới tỉnh sẽ có văn bản yêu cầu lực lượng thú y thuộc các Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện đảm trách để nâng cao hiệu quả hoạt động.
VĂN SỰ