Nông sản Quảng Nam: Chưa hấp dẫn thị trường Đà Nẵng

QUỐC TUẤN 19/02/2019 13:01

Hiện nay, TP. Đà Nẵng là thị trường tiêu thụ nông sản lớn bậc nhất tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tuy nhiên các mặt hàng rau, củ, quả và thịt của Quảng Nam chưa tận dụng được cơ hội tốt để khai thác thị trường này.

Quảng Nam có nhiều vùng sản xuất nông sản lớn nhưng chưa tạo dựng được thương hiệu và quy trình phân phối bài bản nên gặp khó khi tiếp cận thị trường Đà Nẵng. Ảnh: Q.T
Quảng Nam có nhiều vùng sản xuất nông sản lớn nhưng chưa tạo dựng được thương hiệu và quy trình phân phối bài bản nên gặp khó khi tiếp cận thị trường Đà Nẵng. Ảnh: Q.T

Theo thống kê từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.Đà Nẵng, mỗi năm thị trường Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 140 nghìn tấn rau, củ, quả các loại và hơn 35 nghìn tấn thịt. Dù có lợi thế về mặt địa lý và các mặt hàng sản xuất nông nghiệp khá dồi dào nhưng Quảng Nam lại chưa tận dụng được tiềm năng để các mặt hàng nông sản chiếm lĩnh thị trường hấp dẫn này. Cụ thể, nguồn gia súc, gia cầm nhập vào Đà Nẵng giết mổ của Quảng Nam chỉ chiếm khoảng 10% trong khi Bình Định chiếm tới 70%, Quảng Ngãi chiếm 15%…, còn 70% lượng rau, trái cây nhập về chợ đầu mối Hòa Cường trong năm 2018 (92.176 tấn) đến từ hai tỉnh Gia Lai và Lâm Đồng.

Ông Nguyễn Tứ - Phó ban Quản lý ATTP TP.Đà Nẵng thông tin: “Đến thời điểm này thì Đà Nẵng đã ký kết hợp tác về cung ứng nông sản an toàn với 7 địa phương. Trong đó, năm 2018 thành phố đã đẩy mạnh hợp tác với Lâm Đồng (rau) và Vĩnh Long (trái cây) để đảm bảo nguồn cung chất lượng cho người tiêu dùng”. Được biết, từ năm 2017 Quảng Nam và Đà Nẵng đã có ký kết hợp tác cung ứng nông sản, tuy nhiên đến nay các mặt hàng nông sản của Quảng Nam vẫn chưa có bước đột phá để trở thành địa phương cung ứng chủ lực cho thị trường Đà Nẵng. Ngoài nhiều vùng sản xuất rau, củ, Quảng Nam còn đang có một diện tích không nhỏ canh tác trái cây chất lượng đã có thương hiệu tại Nông Sơn, Tiên Phước, Đại Lộc… nhưng nông dân vẫn chủ yếu trông chờ tiêu thụ qua thương lái bởi chưa tạo dựng được kênh phân phối bền vững.  

Một rào cản dễ nhận thấy đối với nhiều mặt hàng thịt và rau, củ, quả các loại của Quảng Nam khi tiếp cận thị trường Đà Nẵng là chưa tạo dựng được thương hiệu, niềm tin với khách hàng, thậm chí không ít sản phẩm còn không rõ nguồn gốc, xuất xứ được vận chuyển qua các kênh phân phối nhỏ lẻ của thương lái. Điều này vừa gây thiệt thòi cho người nông dân vừa khiến người tiêu dùng bất an bởi khâu an toàn vệ sinh thực phẩm không được kiểm soát chặt chẽ. Thông tin từ Ban Quản lý ATTP TP.Đà Nẵng cho thấy, qua thanh tra việc kinh doanh ớt bột tại 17 hộ kinh doanh ở chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa và chợ đầu mối Hòa Cường (TP.Đà Nẵng) thì phát hiện 14/17 mẫu ớt bột được cung cấp từ 2 cơ sở sản xuất tại huyện Đại Lộc không đạt tiêu chuẩn quy định về chỉ tiêu độc tố vi nấm, vi sinh. Ngoài ra, qua kiểm tra trong năm 2018 thì Đà Nẵng cũng phát hiện tới 72/186 mẫu thịt heo nhiễm vi sinh vật hay 8 mẫu thủy sản khai thác tồn dư kim loại nặng…

Dẫu vậy, hiện nay vẫn có một số thương hiệu nông sản của tỉnh được ưa chuộng tại TP.Đà Nẵng, nhất là rau Trà Quế (TP.Hội An). Ông Nguyễn Hoang - Phó Ban nông nghiệp xã Cẩm Hà cho biết: “Trong điều kiện thời tiết bình thường mỗi ngày làng rau Trà Quế xuất đi khoảng 1 tấn rau, củ vào thị trường Đà Nẵng và khó lòng tăng lượng cung cấp dù có không ít đề nghị từ phía đối tác”. Các cơ sở sản xuất rau sạch, rau thủy canh tại các huyện, thị ven TP.Đà Nẵng cũng kết nối được đầu ra ổn định nhờ vào chất lượng và lượng sản xuất còn ở quy mô nhỏ. Ông Nguyễn Đỗ Tám - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết, nếu người nông dân Quảng Nam có sản phẩm tốt thì nên chủ động liên hệ với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Sở NN&PTNT Quảng Nam) làm đầu mối bởi Quảng Nam và Đà Nẵng đã có biên bản hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Khi đó 2 địa phương sẽ kết nối thông tin để đưa sản phẩm của nhà sản xuất đến nhà phân phối tiêu thụ ổn định tại thị trường Đà Nẵng.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN