Vùng dược liệu hàng hóa
Nhiều vùng dược liệu đã và đang hình thành tại các huyện miền núi của tỉnh. Song việc đưa cây dược liệu từ tình trạng nhỏ lẻ, manh mún trở thành sản phẩm hàng hóa của vùng cao, vẫn còn là chặng đường dài...
Lãnh đạo Sở NN&PTNT kiểm tra mô hình trồng ba kích tím của HTX Thiên Bình (Tây Giang). Ảnh: Hoàng Liên |
Xác định cây chủ lực
Tại Nam Trà My - “thủ phủ” sâm Ngọc Linh, từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ, địa phương đã triển khai bảo tồn nguồn gen quý, phát triển giống sâm, hỗ trợ cây giống cho đồng bào dân tộc thiểu số trồng để xóa đói giảm nghèo... Nam Trà My cũng khuyến khích doanh nghiệp và một số tổ chức, cá nhân đầu tư trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Còn tại huyện Phước Sơn, địa phương chủ động chọn một số cây dược liệu có thế mạnh như ba kích tím, giảo cổ lam, sa nhân tím để phát triển vùng dược liệu; xây dựng vườn ươm giống ba kích và đẳng sâm để cấp giống cho dân. Phước Sơn còn kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư trồng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu với diện tích 50ha. Vùng ba kích tím mọc rải rác trong lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mi vừa được phát hiện có diện tích trải dài 100ha rừng đã được huyện khoanh vùng, bảo tồn nguồn gen quý, phục vụ cung ứng giống.
Tây Giang - nơi có thế mạnh về cây ba kích tím, đẳng sâm đang nỗ lực để phát triển hai cây dược liệu chủ lực này, tạo vùng dược liệu hàng hóa. Diện tích trồng ba kích tím của huyện phân bố từ xã Tr’Hy trở xuống (nhiều nhất ở xã Lăng) với tổng diện tích hơn 350ha; cây đẳng sâm tập trung ở vùng lõi xã Ch’Ơm, Ga Ri và Tr’Hy và một ít ở xã A Xan với diện tích khoảng 400ha. Cây sả chanh gần đây được khuyến khích nhân rộng tại xã A Xan khi Công ty CP Thương mại dược sâm Ngọc Linh đầu tư nhà máy chế biến tinh dầu sả chanh tại A Xan. Diện tích trồng sả chanh từ một vài héc ta ban đầu nay đã phát triển lên 20ha. Cây đẳng sâm được ưu tiên phát triển tại 4 xã vùng cao và tập trung mạnh tại vùng lõi là xã Ch’Ơm.
Theo ông Hồ Đắc Vinh - Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm, diện tích trồng đẳng sâm ở địa phương chiếm nhiều nhất huyện với 169ha. Năm 2018, xã được hỗ trợ 680 triệu đồng để cung ứng giống đẳng sâm cho nhân dân. “Ch’Ơm phấn đấu đến năm 2030 phải hỗ trợ giống để mỗi hộ dân trồng ít nhất 1ha đẳng sâm trở lên. Địa phương tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi bớt diện tích rừng tạp kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu; đồng thời kiến nghị huyện, tỉnh đẩy mạnh chính sách giao rừng để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế từ cây dược liệu” - ông Vinh chia sẻ.
Cú hích từ chính sách
Đưa cây dược liệu vào OCOP Tin vui là sản phẩm rượu ba kích và đẳng sâm của Tây Giang được chọn tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP. Theo Trưởng phòng NN&PTNT Tây Giang Trần Văn Ta, để rượu ba kích và đẳng sâm được công nhận là sản phẩm OCOP, huyện tập trung kiểm soát chất lượng giống, quy trình kỹ thuật trồng, chế biến rượu, chú trọng chất lượng. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển thêm 9 sản phẩm chuyên sâu là trà túi lọc, thực phẩm chức năng, viên nén, cao… từ ba kích và đẳng sâm. |
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 202/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Quyết định 2950/QĐ-UB của UBND tỉnh, việc phát triển cây dược liệu tại Quảng Nam đã có những tín hiệu tín cực. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, giai đoạn 2016 - 2018, UBND tỉnh đã bố trí gần 19 tỷ đồng nhằm bảo tồn và phát triển 3 cây dược liệu đẳng sâm, sa nhân tím, ba kích tím với tổng diện tích gần 430,6ha. Quảng Nam cũng đã quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu tập trung mang giá trị kinh tế cao như: sâm Ngọc Linh, quế Trà My, đẳng sâm, ba kích tím, sa nhân...
Giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Nam xây dựng 5 khu vực trồng bảo tồn chủ động, kết hợp sản xuất giống đẳng sâm, sa nhân tím và ba kích tím với tổng diện tích 25ha tại Phước Sơn, Nam Trà My, Đông Giang và Tây Giang với tổng kinh phí 4 tỷ đồng. Đã có 6 đơn vị, tổ chức sản xuất và cung ứng giống dược liệu như Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tây Giang sản xuất giống ba kích, đẳng sâm; HTX Thiên Bình (xã Lăng, Tây Giang) sản xuất giống cây ba kích; Công ty TNHH Phước Hùng Minh (Tây Giang) sản xuất cây ba kích; Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Trần Phước Sanh (Bắc Trà My) sản xuất và cung ứng giống quế, sa nhân; Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My sản xuất, cung ứng đinh lăng, sa nhân, quế Trà My, đẳng sâm, đương quy, giảo cổ lam...
HOÀNG LIÊN