Đòn bẩy thoát nghèo
Không cam chịu nghèo khó, gia đình chị Nguyễn Thị Phương (người Mơ Nông, xã Trà Bui, Bắc Trà My) quyết tìm sinh kế mới thay vì chỉ quẩn quanh làm nương rẫy.
Nuôi heo đen giúp gia đình chị Nguyễn Thị Phương thoát nghèo, có nguồn thu nhập khá. Ảnh: Quang Việt |
Cơ may đến. Năm 2015, thông qua Chương trình 135 của Chính phủ về hỗ trợ đồng bào miền núi vươn lên thoát nghèo, Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My hỗ trợ gia đình chị Phương 12 con heo đen con giống bản địa để xây dựng mô hình kinh tế mới. Sau một năm, cả 12 con heo đen đều phát triển tốt, bán thương phẩm thu được 25 triệu đồng. Tiếp đó, chị Phương bàn với chồng mua 1 con heo đen nái và 1 con heo đen đực F1 được lai trộn giống với heo rừng thuần chủng về nhân giống. Cứ thế, mỗi năm heo đen nái đẻ 3 lứa, mỗi lứa hơn 10 con, chị Phương đều nuôi thương phẩm thành công, cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Đến nay, đàn heo đen của gia đình này lên đến hơn 50 con, trong đó có 6 heo đen nái và 2 heo đen đực phối giống. “Tôi thấu hiểu cái nghèo, cái khó của đồng bào miền núi nên sau mỗi lứa heo đen đẻ, chúng tôi bán giá rẻ cho người dân trên địa bàn huyện, bày họ cách nuôi để phát triển kinh tế. Rất vui là heo đen được nhân rộng, đời sống của đồng bào ngày một khấm khá hơn” - chị Phương chia sẻ.
Nhiều gia đình đồng bào người Ca Dong ở huyện Bắc Trà My cũng tìm sinh kế mới thành công với đầu tư nuôi heo đen, tiêu biểu như gia đình bà Hồ Thị Hồng, Đinh Văn Tôn ở xã Trà Bui, Trà Tân, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Hồ Chí Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bui cho biết, đường sá xa xôi, cách trở lại xuống cấp trầm trọng khiến người dân ngại giao lưu với bên ngoài, đời sống khó khăn. Nuôi heo đen gần đây đã mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho đồng bào miền núi.
Theo ông Khương Đình Thương - cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My, heo đen bản địa trên địa bàn gồm 2 nhóm. Heo đen hoàn toàn có màu lông đen toàn thân, số ít có lang trắng ở 4 bàn chân, giữa trán có đốm trắng, chóp đuôi trắng, đầu to, mõm dài, nhọn, mũi hếch, cổ ngắn, vai dốc, lưng ngắn, thẳng, bụng thon gọn, mông dốc, đùi sau dài, chân cao, 4 chân thẳng, chắc, đi móng. Còn lại là heo lang (đen - trắng) có màu đen ở đầu, vai lưng, mông đùi nhưng có lang trắng ở bụng kéo xuống 4 chân, trán có đốm trắng, chùm lông chóp đuôi trắng. Cả 2 loại heo đen đều có chất lượng thịt rất ngon. “Cùng với hỗ trợ kỹ thuật, chúng tôi khuyến khích bà con nuôi heo đen theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã để gắn kết cộng đồng, thuận lợi trong chăn nuôi lẫn giao thương. Người dân không nên thả rông mà chọn gia trại, nông trại có chuồng kiên cố. Khi nuôi cần bổ sung các loại thức ăn từ núi rừng, tiêm phòng, từng bước chăn nuôi hàng hóa lớn để nâng cao giá trị kinh tế” - ông Khương Đình Thương nói.
VIỆT QUANG