Vào mùa kiệu tết

KIỀU LY 16/01/2019 06:55

Người dân trồng kiệu vùng đông Thăng Bình và tây Duy Xuyên đang hối hả thu hoạch kiệu, chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2019.

Ông Nguyễn Hà đang chuẩn bị kiệu chờ thương lái tới mua. Ảnh: K.L
Ông Nguyễn Hà đang chuẩn bị kiệu chờ thương lái tới mua. Ảnh: K.L

Đến xã Bình Phục, huyện Thăng Bình những ngày giáp tết, không khí trên những cánh đồng kiệu tấp nập hẳn lên. Để chuẩn bị cho mùa kiệu tết, người dân đã phải chuẩn bị giống và gieo trồng từ khoảng đầu tháng 8 âm lịch, sau 4 đến 5 tháng bắt đầu thu hoạch. Theo các hộ trồng kiệu ở đây, thời tiết năm nay không được thuận lợi, đầu vụ nắng nóng kéo dài (bình thường người dân gieo trồng tháng 7 âm lịch, nhưng năm nay nắng kéo dài đến tháng 8 âm lịch), đến gần cuối vụ mưa dầm dề nên sản lượng sụt giảm. Gia đình ông Nguyễn Hà (44 tuổi, ở thôn 3) là một trong những hộ trồng kiệu lâu năm và có diện tích trồng lớn trong xã cho biết, khoảng 5 năm đầu, gia đình trồng diện tích rất ít để thử nghiệm. Sau đó, khi so với lúa, nhận thấy kiệu là loại cây trồng ngắn ngày, đầu tư ít và đem lại giá trị kinh tế cao nên gia đình ông quyết định mở rộng diện tích lên hơn 6 sào kiệu.

Theo ông Hà, với diện tích lớn, mọi năm gia đình ông thu hoạch được tổng sản lượng khoảng 4,5 tấn kiệu củ, nhưng năm nay chỉ còn được hơn 1,5 tấn. Từ thu nhập khoảng 10 triệu đồng/sào giờ gia đình chỉ thu khoảng 6 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, nếu so với các loại cây trồng khác thì cây kiệu vẫn cho thu nhập cao hơn. “Trồng kiệu có lời hay không còn phụ thuộc vào giá của giống kiệu và giá bán sản phẩm. Kiệu năm nay được các thương lái mua với giá khá cao, từ 30 nghìn đồng/kg ở đầu vụ, đến 45 nghìn đồng/kg vào những ngày sát tết. Theo tính toán, nếu giá bán vẫn ổn định như hiện nay, trừ chi phí, chúng tôi vẫn có lãi” - ông Hà nói. Gần 80 tuổi, nhưng năm nào cụ ông Nguyễn Bích (ở thôn 3) cũng trồng hơn 3 sào kiệu. “Kiệu bán được cả củ và lá, lại có thương lái đến mua tận nhà nên bà con cũng đỡ lo đầu ra, năm nào cũng trồng, diện tích ngày càng nhiều. Ở thôn, hiện có khoảng hơn 80% hộ làm nghề này. Tuy giá cả hơi bấp bênh, năng suất còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết nhưng nếu biết cách chăm bón, tính toán thì khó mà lỗ vốn” - cụ Bích cho hay.

Từ lâu, kiệu ở xã Bình Phục luôn được khách hàng ưa chuộng vì củ to, trắng và thơm ngon. Bà Trần Thị Liên (tiểu thương thu mua kiệu) cho biết: "Chúng tôi thường thu mua kiệu bắt đầu từ cuối tháng 11 đến ngày 25 tháng Chạp. Chủ yếu tiêu thụ trên thị trường Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh và các vùng lân cận trên địa bàn tỉnh. Sau khi thu mua, tôi phân loại kiệu lớn nhỏ khác nhau tùy theo sở thích ăn của từng miền. Như người miền Nam ưa kiệu củ to, trong khi người Đà Nẵng và Huế lại ưa củ nhỏ hay gọi là kiệu sẻ”. Năm nay mưa nắng thất thường, người trồng kiệu gặp nhiều khó khăn, sản lượng ít, giá sẽ tăng. Tuy nhiên, ở các tỉnh thành khác như Bình Định, Bình Dương, kiệu lại được mùa, số lượng nhiều. Chính vì vậy giá kiệu tại xã Bình Phục tuy có tăng nhưng cũng không quá cao. Đến thời điểm này, nông dân trồng kiệu ở xã Bình Phục đã thu hoạch khoảng 50% diện tích, số còn lại sẽ thu hoạch dần cho đến 20 tháng Chạp. Nhiều người hy vọng, những ngày giáp tết sức mua sẽ tăng và giá sẽ còn cao hơn nữa để có thêm thu nhập.

KIỀU LY

KIỀU LY