Rau an toàn Quảng Đại bí đầu ra

TRIÊU NHAN - PHƯƠNG PHƯƠNG 10/01/2019 06:36

Mô hình trồng rau an toàn của Tổ hợp tác (THT) thôn Quảng Yên, xã Đại An (Đại Lộc) ra đời nhằm đưa sản phẩm rau an toàn đến với người tiêu dùng song lại khó cạnh tranh về giá cả, đầu ra trên thị trường.

Sản phẩm rau an toàn của THT Quảng Yên (Đại An) có mặt tại triển lãm thành tựu công nghiệp và nông nghiệp của huyện Đại Lộc năm 2018. Ảnh: TRIÊU NHAN
Sản phẩm rau an toàn của THT Quảng Yên (Đại An) có mặt tại triển lãm thành tựu công nghiệp và nông nghiệp của huyện Đại Lộc năm 2018. Ảnh: TRIÊU NHAN

Khó về đầu ra

Mô hình rau an toàn của THT thôn Quảng Yên ra đời cách đây khoảng một năm với 3 hộ tham gia gồm bà Lê Thị Hải, ông Phan Minh và Phan Lịnh (cùng trú ở thôn Quảng Yên). Trên diện tích 600m2, các loại rau cải, mồng tơi, rau muống, khổ qua... được trồng trong nhà lồng giúp giảm thiểu đáng kể tình hình sâu bệnh bùng phát. Các thành viên THT đã bỏ ra hơn 50 triệu đồng để làm nhà lồng, lưới che, tận dụng diện tích đất vườn hiện có, đầu tư giống, phân vi sinh cải tạo đất. Song, sản phẩm rau an toàn làm ra gặp khó trong việc cạnh tranh với sản phẩm rau trôi nổi trên thị trường.

Bà Lê Thị Hải - Tổ trưởng THT Quảng Yên cho biết, so với trồng rau thông thường, trồng rau an toàn rất vất vả, lại khá tốn kém chi phí, nhân công, hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu bón phân vi sinh, sử dụng chế phẩm vi sinh để phòng trừ sâu bệnh, đầu tư nhà lồng, lưới che… Tuy nhiên, giá cả, đầu ra lại không cạnh tranh được với rau trôi nổi. Các cấp hội phụ nữ huyện cũng đã giúp THT liên hệ với các trường mầm non, đến tận các cơ sở giáo dục tư thục trên địa bàn huyện và nhiều cơ sở để tìm đầu ra nhưng không dễ cạnh tranh được về nguồn cung, giá cả, bởi hầu hết cơ sở này đã có nguồn cung từ Đà Nẵng và nhiều nơi đưa tới hoặc tiêu thụ rau tại các chợ. Tôi cũng từng đưa sản phẩm tới chợ nhưng cũng khó tiêu thụ vì nguồn rau từ Gia Lai và các nơi khác có giá quá rẻ.

Theo bà Hải, hầu hết chợ trên địa bàn, tiểu thương hầu như không quan tâm tới nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng rau mà chủ yếu vì lợi nhuận. “Cách đây 2 tháng, tôi đưa rau đến các chợ nhưng bị ép giá mỗi bó mồng tơi chỉ có 2 - 3 nghìn đồng, trong khi giá hạt giống quá cao, đành đem về đổ cho bò ăn. Xuất mấy lứa rau không được mấy đồng, có khi phải đổ cả tấn rau vì bị ép giá, bí đầu ra khiến các hộ trong THT nản lòng” - bà Hải nói.

Cần có biện pháp hỗ trợ

Các thành viên trong THT đã cam kết không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân hóa học, mà chỉ sử dụng phân chuồng, sử dụng thiên địch để dẫn dụ côn trùng gây hại nên năng suất, sản lượng của vườn rau rất thấp. Mô hình vẫn chưa có hệ thống tưới tự động nên nỗi nhọc nhằn của nhà nông vẫn còn nhiều. Ông Phan Lịnh, thành viên THT chia sẻ, do mới thành lập, phát động mô hình nên chưa nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm rau an toàn, dù các cấp hội và xã Đại An cũng đã hỗ trợ, đưa sản phẩm đi trưng bày tại các hội chợ, triển lãm của huyện, song sản phẩm hầu như chưa tiếp cận được người tiêu dùng thông thái. “THT là nhân tố tích cực để tạo sự lan tỏa của các mô hình rau an toàn trên địa bàn xã, huyện, song chúng tôi rất khó khăn về vốn, mong được hỗ trợ vốn để tiếp tục duy trì, phát triển mô hình” - ông Lịnh nói.

Ông Trịnh Công Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại An cho biết, đây là một mô hình tốt thể hiện sự quyết tâm của các cấp hội phụ nữ và các thành viên THT trong việc xây dựng mô hình, tạo sản phẩm rau an toàn và tuyên truyền đến người tiêu dùng ý thức sử dụng rau an toàn để bảo vệ sức khỏe. Nhưng sản phẩm an toàn và không an toàn khá lẫn lộn, người tiêu dùng còn hoài nghi. Hội Nông dân xã cũng tích cực động viên các thành viên THT nỗ lực duy trì mô hình, xây dựng thương hiệu và năng động trong khâu quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường bởi lẽ mô hình mới hình thành, mô hình cần phải có thời gian để tạo dựng lòng tin nơi người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm.

TRIÊU NHAN - PHƯƠNG PHƯƠNG

TRIÊU NHAN - PHƯƠNG PHƯƠNG